Hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế
Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Tại phiên thảo luận ngày 2/11 về đầu tư công và ngân sách giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được một số kết quả tích cực góp phần đạt mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN LÀM CHẬM CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TIẾN ĐỘ THI CÔNG VÀ GIẢI NGÂN
Tuy nhiên, để kế hoạch đầu tư công trung hạn ở giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua về đích với hiệu quả và kết quả cao nhất, trong nửa cuối giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm chính trị hơn nữa của cả hệ thống chính thị từ trung ương đến địa phương, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại hiện có.
Đại biểu đề cập 2 nội dung đã được Nghị quyết số 29 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Trong đó đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu đoàn Khánh Hòa Lê Hữu Trí cho rằng, trên tổng thể công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.
Trình tự thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản…còn nhiều vướng mắc. Trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án công trình cần được sớm tháo gỡ, đại biểu đoàn Khánh Hòa nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn Nghệ An khẳng định, vướng mắc nhất và chậm được tháo gỡ nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.
THÍ ĐIỂM VỀ VIỆC TÁCH GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TÁI ĐỊNH CƯ RA KHỎI DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Tại Nghị quyết số 29 Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Lệ đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện đề án này, đồng thời đánh giá hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện trong việc nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được kết quả, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn ở giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, trong đó có vấn đề giải phóng mặt bằng.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được nhiều địa phương tập trung quan tâm, xác định đây là khâu rất quan trọng để dự án triển khai thực hiện được.
Theo đó, ngoài việc kiến nghị tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp gắn với quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ như nhiều địa phương đã đề xuất, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Nhận thức việc bố trí tái định cư là bố trí cuộc sống mới cho người dân nên cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để có cuộc sống mới tốt hơn, đại biểu Lệ nói.
Với những nhận định về thực trạng vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, nữ đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.
Liên quan đến đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương. Giải ngân 9 tháng đầu năm hơn 52% và 10 tháng đã lên 56% và năm nay giải ngân rất lớn.
Tuy nhiên, một trong những cản trở của đầu tư công liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của các dự án là vấn đề lớn nhất. “Nhiều khi chúng ta nói tách ra khỏi khâu giải phóng mặt bằng với xây lắp là chuyện có thể nhưng vẫn là đầu tư công. Trong quá trình đầu tư, công giải phóng mặt bằng là vấn đề rất nhiều thành phần có liên quan. Vấn đề kiểm đếm, đo đạc, tính phương án giá, quyết định giá hiện nay đang khó nhất. Do đó, đại biểu đoàn Bến Tre đề nghị cần hết sức tập trung vấn đề này.