TP.HCM chạy đua giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Chỉ còn chừng 70 ngày nữa để TP.HCM hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chuẩn bị cho kế hoạch năm sau. Các ngành, các cấp cần nhìn thẳng vào vấn đề, không tránh né và đề ra giải pháp để tháo gỡ cho năm 2024...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM, cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng số vốn đầu tư công trung ương giao cho TP.HCM năm 2023 rất lớn, trên 70.000 tỷ đồng gần bằng 10% số vốn cả nước (cả nước 711.000 tỷ đồng). Nhiều dự án kéo dài, khó khăn nên công sức bỏ ra rất lớn.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố có 8 trên tổng số 60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5 trên 22 địa phương giải ngân đạt trên 51% - mức bình quân cả nước, tương ứng hơn 2.400 tỷ đồng; có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với hơn 19.100 tỷ đồng; có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, với số tiền phải giải ngân hơn 5.900 tỷ đồng.
Khả năng giải ngân đến hết năm 2023, ông Hoan cho biết có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 27.700 tỷ đồng. Cùng với đó, có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 hơn 19.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4% kế hoạch vốn năm 2023 của Thành phố. Nguyên nhân các dự án này giải ngân dự kiến dưới 95% là bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch; nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện; do giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư; chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án.
Có 98 dự án không bảo đảm tỷ lệ giải ngân mà nguyên nhân do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng số vốn giao.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhắc lại: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, khóa XI, Đảng bộ TP.HCM đã đặt đầu tư phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng Thành phố đã trải qua năm 2021 nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, đến năm 2022 thì Thành phố mới bắt đầu lấy lại đà phục hồi, phát triển kinh tế. “Vì vậy, Thành phố đã trễ hẹn, trì hoãn, chậm rất nhiều kế hoạch”, ông Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, đầu tư công theo quy định có những việc có thể kéo đến tháng 01, quý 1 năm sau, có độ trễ theo quy định mới “chốt sổ” được. Nhưng thời gian của năm 2023 chỉ còn khoảng 70 ngày, quan trọng là chúng ta nhìn nhận rõ và chuẩn bị cho công tác đầu tư của năm 2024, không để trễ. Ông đề nghị những nhóm, dự án thực hiện tốt cần được khen thưởng; ngược lại là phê bình, kiểm điểm, quy trách nhiệm đối với nhóm, dự án không thực hiện theo tinh thần chỉ đạo.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, khẳng định Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân TP.HCM sẽ tập trung điều hành quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023. Ông Mãi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy quan tâm lãnh đạo cụ thể từng nội dung và có kiểm tra tiến độ thường xuyên. Nếu không đạt được tỷ lệ giải ngân trên 95% thì cũng không được thấp hơn 80%.
Trong việc điều chuyển vốn, ông Mãi đề nghị các quận, huyện có dự án đủ điều kiện giải ngân trong năm nay cần mạnh dạn đăng ký để Thành phố bố trí vốn, đặc biệt tập trung cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số vốn cần giải ngân của năm 2023 lên tới gần 27.000 tỷ đồng. “Đây là số vốn bồi thường cao kỷ lục từ trước tới nay của TP.HCM, trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng nữa” ông nhấn mạnh.
Đề cập đến những vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhắc nhở các đơn vị, các địa phương: Chúng ta cứ loay hoay làm thủ tục lấy ý kiến, cho ý kiến rồi nghiên cứu câu từ trả lời lòng vòng, cuối cùng không thực hiện được. Điều này làm mất nhiều thời gian và cho thấy sự thiếu trách nhiệm. Các đơn vị, các cấp, ngành khi trả lời phải trả lời rõ ràng, được hay không được.
TP.HCM được giao kế hoạch vốn đầu tư công 70.518 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022 (vốn đầu tư công được giao năm 2022 là 32.262 tỷ đồng); bao gồm vốn ngân sách trung ương là 15.293 tỷ đồng, và vốn ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo công tác 8 tháng đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 29%, tương đương số vốn 25.252 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp nhưng trị tuyệt đối cao hơn do năm nay Thành phố được giao nguồn vốn gấp đôi kế hoạch vốn thực giao năm 2022 và gấp 2,6 lần số vốn giải ngân trong năm 2022 với 26.635 tỷ đồng.
Báo cáo vào cuối tháng 9/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng cho biết, đến cuối năm Thành phố sẽ phải chạy đua để giải ngân 45.266 tỷ đồng còn lại của năm, tức gần bằng giá trị giải ngân của cả hai năm 2021 và 2022. TP.HCM đã đặt trọng tâm của năm 2023 là “năm giải ngân đầu tư công”. Trên cơ sở đã đạt được tính đến hết tháng 5/2023, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 tỷ lệ giải ngân đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và đến tháng 1/2024 sẽ đạt ít nhất 95%.