Hợp tác phát triển xe máy điện: Giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh
Cùng chung xu hướng điện khí hóa ngành công nghiệp ô tô, thị trường xe máy điện tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để chuyển đổi thói quen sử dụng xe xăng sang xe điện lại là một hành trình đầy gian nan, không chỉ đối với các nhà sản xuất xe điện mà còn là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách. Trong hành trình này, các doanh nghiệp nội địa nhận ra rằng, liên kết, hợp tác là giải pháp tối ưu nhằm phát huy nguồn nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Sức mua xe xăng sụt giảm, thời cơ cho xe máy điện đã đến?
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tính riêng quý I trong 5 năm trở lại đây, doanh số bán hàng xe máy khá ổn định ở mức trên 700.000 chiếc; doanh số cả năm trên dưới 3 triệu chiếc. Những thương hiệu quen thuộc được nhiều người lựa chọn là Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha. Tuy nhiên, khi thị trường đã bão hòa, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm cao cấp, xe điện, hoặc đơn giản là “lên đời” từ xe hai bánh lên bốn bánh. Cũng theo VAMM, doanh số quý I/2023 chỉ đạt 634.688 chiếc, giảm 15,78% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi tổng sản lượng ước đạt 767.300 xe. Điều này cho thấy sức mua của thị trường đang có dấu hiệu sụt giảm và lượng xe máy tồn kho có thể tăng cao trong những tháng tới.
Đối với sản phẩm xe máy điện, mặc dù không công bố chính thức doanh số bán hàng định kỳ, các thương hiệu xe máy điện tại thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 2 triệu xe máy điện đã đăng ký, chiếm tỷ lệ 2,7% tổng số mô-tô, xe máy đang lưu hành trên toàn quốc. Mức tiêu thụ xe máy điện trong năm 2022 tăng khoảng 30 - 35% so với năm 2021. Theo dự báo của Motorcycles Data, xe máy điện tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc trong tương lai gần.
Hiện tại, các dòng xe máy điện được sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng đa dạng, với sự tham gia đầu tư bài bản của các nhà sản xuất như Vinfast, Sơn Hà, Pega. Bên cạnh đó, các hãng xe máy như Honda, Yamaha, SYM, Piaggio cũng bắt đầu nghiên cứu, sản xuất và giới thiệu mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam. Điều này đã góp phần giúp xóa bỏ định kiến những năm trước đây về những mẫu xe máy điện giá rẻ, trôi nổi trên thị trường và không đảm bảo an toàn chất lượng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ có VinES trực thuộc Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp nội địa duy nhất nắm giữ công nghệ lõi nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đồng thời làm chủ về công nghệ pin, phần cứng cho tới thiết kế phần mềm. Đây cũng là hãng xe duy nhất sở hữu một hệ thống trạm sạc dành cho ô tô, xe máy điện phủ khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đó là lợi thế cạnh tranh mà ít doanh nghiệp nào có được trong lĩnh vực xe điện.
Do đó, nếu các doanh nghiệp còn lại chỉ tập trung hoàn thiện sản phẩm của riêng mình sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm xe máy điện sắp ra mắt của các nhà sản xuất xe điện trên thế giới.
Liên kết, hợp tác là “chìa khóa” cho phát triển xe máy điện tại Việt Nam
Đối với sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như ô tô, xe máy điện, điều khó khăn nhất đối với các nhà sản xuất là làm chủ được công nghệ lõi về động cơ, pin. Ngay cả doanh nghiệp tiên phong về xe điện như VinFast, thời gian đầu phát triển vẫn phải ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các nhà sản xuất của Châu Âu, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, với tham vọng làm chủ công nghệ về pin xe điện, tháng 8/2021, Vingroup đã thành lập Công ty CP Giải pháp Năng lượng VinES với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất pin và ắc-quy.
Theo đó, VinES đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu thế giới về pin và giải pháp năng lượng như ProLogium, Li-Cycle, BP, Gotion, Inc. VinES cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Cavico Lao Mining (thành viên Cavico Việt Nam) về việc cung ứng nguyên liệu Nickel phục vụ cho việc sản xuất pin lithium. Ngày 21/4, công ty này tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm với StoreDot (một công ty hàng đầu về công nghệ pin sạc siêu nhanh (XFC) cho xe điện).
Bà Phạm Thùy Linh, Tổng giám đốc VinES khẳng định: “Mặc dù mới thành lập gần 2 năm, chúng tôi đã đủ tự tin làm chủ phần lớn công nghệ lõi về pin xe điện. Ngoài các đối tác Trung Quốc, chúng tôi còn hợp tác về công nghệ với nhiều đối tác từ Israel, Mỹ, Anh, Châu Âu, Hàn Quốc; tuy nhiên phần lớn là công nghệ phái sinh, không phải công nghệ lõi đủ để nhận chuyển giao và tạo ra sản phẩm”.
Đại diện VinES cũng cho biết, sản lượng pin có thể cung cấp cho tất cả ứng dụng trên thị trường thế giới hiện nay khoảng 700 GW. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu về pin cho ô tô, xe máy cũng như tất cả các ứng dụng khác sẽ đạt từ 4-4,5 TW, gấp 6 lần hiện nay. Điều này cho thấy, dư địa phát triển ngành pin còn rất nhiều. Mặt khác, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hiện mới chỉ có VinES làm chủ được công nghệ lõi về cell pin nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Đây cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn phát triển xe máy điện tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, Công ty CP phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) trực thuộc Tập đoàn Sơn Hà là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xe máy điện nội địa. Từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp này đã sản xuất gần 10 mẫu xe máy điện khác nhau, mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng nhằm thay thế xe máy xăng và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết: “Thời gian đầu, SHE tập trung sản xuất xe máy điện phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên, sử dụng giải pháp năng lượng từ ăc-quy axit chì nhập khẩu từ nước ngoài. Gần đây, SHE chuyển hướng phát triển thêm các dòng xe máy điện thay thế xe xăng với tốc độ di chuyển cao hơn, quãng đường di chuyển xa hơn và bền bỉ hơn. Để đáp ứng yêu cầu này, tất yếu phải sử dụng pin lithium để thay thế. Tại Đông Nam Á, hiện mới chỉ có VinES của Việt Nam làm chủ được công nghệ này”.
Đó cũng là lý do để SHE tiến tới ký kết hợp tác chiến lược về pin xe điện với VinES vào ngày 27/4 vừa qua. Việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng xanh, trước mắt sẽ cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện về Pin, trạm sạc và hệ sinh thái dành cho xe điện do hai đơn vị sản xuất, mang đến cho khách hàng những sản phẩm xe máy điện và hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện lợi.
Mặc dù sức mua của thị trường còn yếu, nhưng trong năm 2023, Công ty CP phát triển năng lượng Sơn Hà vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 14%. Trong đó, ngành hàng xe máy điện với nhãn hiệu EVGO tiếp tục trở thành trọng điểm sản xuất kinh doanh của công ty trong những năm tới. Cũng trong năm nay, SHE đã giới thiệu “bộ tứ thay thế xe xăng” mới với mục tiêu thay thế xe xăng; phát triển hệ thống phân phối, đại lý kinh doanh xe máy điện EVGO trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dùng.
Trả lời VnEconomyAutomotive, ông Tân cho biết, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Tập đoàn Sơn Hà nói chung và Công ty SHE xác định xe máy điện vẫn là ngành hàng triển vọng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, phù hợp với xu hướng và chủ trương của Chính phủ, các cơ quan ban ngành và cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi có một trải nghiệm rằng, thường những gì bắt đầu khó khăn lại thành công, những gì bắt đầu quá dễ dàng lại có thể dẫn đến thất bại. Đằng sau khó khăn sẽ là những cơ hội nếu chúng ta đủ quyết tâm và kiên trì thực hiện nó. Người nào đi đường dài, nắm được cuộc chơi và hiểu được thị trường thì người đó sẽ thành công”, ông Tân nhấn mạnh.
Nhận định về sự hợp tác giữa Tập đoàn Sơn Hà và VinES, ông Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ nhấn mạnh: “Việc hợp tác giữa hai bên mang lại các giải pháp toàn diện về pin, trạm sạc và hệ sinh thái dành cho xe máy điện do hai đơn vị sản xuất. Ngoài ra, việc hợp tác thể hiện sự đoàn kết của doanh nghiệp Việt Nam - các doanh nghiệp tiên phong đưa xe điện trở thành phương tiện giao thông chính trong tương lai gần, góp phần thực hiện cụ thể chủ trương, chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực giao thông vận tải”.
Theo Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2030, 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ là những địa phương tiên phong cả nước trong việc loại bỏ xe máy chạy xăng trong nội đô.