HSBC: "Cú quay xe" đầy bất ngờ của nền kinh tế Việt Nam

Chia sẻ

Với "cú quay xe" của quý 4/2021, HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trong năm 2022, viết nên một câu chuyện tăng trưởng toàn diện tươi đẹp...

Trong báo cáo Vietnam at a glance với chủ đề “Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn” vừa được công bố, HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022, mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam lẫn thế giới.

MỘT "CÚ QUAY XE" ĐẦY BẤT NGỜ

Theo HSBC, cuối năm 2021, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng quý 4 đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa các mức dự báo của thị trường. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất nhanh chóng khởi sắc trong khi xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ nhu cầu sản phẩm công nghệ và máy móc trên thế giới tăng mạnh. Thêm vào đó, ngành dịch vụ cũng bắt đầu phục hồi mặc dù không đồng đều trong các lĩnh vực.

Trong khi các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế, thì các ngành liên quan đến du lịch vẫn khá ảm đạm.

Cụ thể, lượng khách du lịch đạt trên 15.000 trong tháng 12, chủ yếu là khách đến từ Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc, hai thị trường chính của Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn khiêm tốn so với thời điểm trước đại dịch. Dịch vụ vận tải hầu như không tăng trưởng trong quý 4, trong khi dịch vụ lưu trú tiếp tục sụt giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

HSBC nhìn nhận, phải mất thêm một thời gian nữa mới trở lại được như thời trước đại dịch là vận tải và dịch vụ lưu trú sụt giảm 7% và 30% so với năm 2019, trở thành hai nhóm ngành làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, cơ quan này vẫn đánh giá, năm 2022 có thể mang đến niềm hy vọng mới cho hai ngành này khi Việt Nam mở lại đường bay thương mại đến 8 thị trường chính từ 1/1/2022 sau hai năm tạm ngưng.

Cơ cấu GDP của Việt Nam trong từng quý năm 2021
Cơ cấu GDP của Việt Nam trong từng quý năm 2021

Nhìn lại cả năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn “chạm đáy” tồi tệ nhất. HSBC tin rằng, Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt.

Một mặt, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.

“Sau hai năm tăng trưởng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5 - 7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch”, báo cáo của HSBC kỳ vọng.

CẦN CHÚ Ý NHIỀU RỦI RO

Theo HSBC, trở ngại lớn nhất mà Việt Nam cần lưu tâm là đợt bùng dịch Covid-19 thứ năm đang diễn ra, nhất là với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan mạnh.

Sau khi giảm xuống còn 4.000 ca trong tháng 11, số ca nhiễm mới lại tăng trở lại, gần đây lên tới trên 20.000 ca. Các ca nhiễm mới chủ yếu là do biến chủng Delta đã lây lan rộng khắp, từ Hà Nội và Hải Phòng ở miền Bắc tới miền Trung và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Điều đáng mừng là tình hình triển khai vaccine của Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều, đủ để tránh phải áp dụng biện pháp giãn cách diện rộng như trước đây.

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã tiêm đủ liều cơ bản cho 70% dân số và bắt đầu tập trung triển khai tiêm mũi bổ sung cho người dân. Các cơ quan chức năng ngành y tế đã rút ngắn thời gian cho phép tiêm mũi bổ sung từ sáu tháng xuống còn ba tháng.

Lạm phát Việt Nam xuống dưới 2% trong năm 2021, lạm phát do nhu cầu còn yếu
Lạm phát Việt Nam xuống dưới 2% trong năm 2021, lạm phát do nhu cầu còn yếu

Ngoài ra, HSBC cũng cho rằng Việt Nam cần chú ý đến vấn đề lạm phát. Khi nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, tác động do áp lực về giá lại diễn ra chậm hơn kỳ vọng khá nhiều. Lạm phát tháng 12 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, chênh lệch so với các mức dự báo (HSBC: 2,1%; Bloomberg: 2,3%; Prior: 2,1%). Kết quả này khiến lạm phát cả năm 2021 đạt mức 1,8%.

Trong khi chi phí vận tải leo thang (+11% so với cùng kỳ năm trước) là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát, giá lương thực giảm một phần do hiệu ứng cơ sở thấp cộng thêm lạm phát do nhu cầu yếu đã cùng làm chậm tốc độ gia tăng lạm phát từ năm 2015 tới nay.

Khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, HSBC kỳ vọng áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ phải trong tầm kiểm soát. HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% vào năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong bối cảnh lạm phát ít khả năng là một mối bận tâm lớn của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, tình hình thị trường bất động sản có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con