Huawei tham vọng cạnh tranh Google, Apple với hệ điều hành di động riêng

Đức Anh
Chia sẻ

Với hệ điều hành riêng HarmonyOS, Huawei không chỉ muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ mà còn tham vọng cạnh tranh với các hãng công nghệ Mỹ như Google và Apple...

Huawei có tham vọng lớn với hệ điều hành HarmonyOS - Ảnh: Getty Images
Huawei có tham vọng lớn với hệ điều hành HarmonyOS - Ảnh: Getty Images

Hãng công nghệ Trung Quốc Huawei ngày 2/6 chính thức ra mắt hệ điều hành riêng HarmonyOS trên các thiết bị di động hàng đầu của mình, bao gồm điện thoại thông minh Mate 40, Mate X2, đồng hồ thông minh Watch Series 3 và máy tính bảng MatePad Pro. 

Với hệ điều hành riêng, Huawei không chỉ muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ mà còn tham vọng cạnh tranh với các hãng công nghệ Mỹ như Google và Apple. 

THAM VỌNG DẪN ĐẦU

Huawei ra mắt HarmonyOS vào năm 2019 sau khi Mỹ đưa công ty này vào “danh sách đen” và không được tiếp cận với hệ điều hành Android của Google. Cấm vận này cùng với lệnh cấm tiếp cận các loại chíp bán dẫn quan trọng của Washington đã làm tê liệt mảng kinh doanh smartphone của Huawei, chỉ vài tháng sau khi trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới. 

Được phát triển từ năm 2016, HarmonyOS có thể hoạt động trên nhiều thiết bị kết nối internet của Huawei, từ smartphone cho tới thiết bị đeo. Hệ điều hành này cho phép các nhà phát triển dễ dàng xây dựng ứng dụng để hoạt động trên nhiều thiết bị khác nhau. 

Theo các nhà phân tích, việc đưa HarmonyOS ứng dụng trên nhiều thiết bị khác nhau là một cách để Huawei tạo sự khác biệt với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của Google và iOS của Apple. 

HarmonyOS được Huawei phát triển từ năm 2016 - Ảnh: Getty Images
HarmonyOS được Huawei phát triển từ năm 2016 - Ảnh: Getty Images

“HarmonyOS được phát triển để kết nối danh mục thiết bị kết nối ngày một đa dạng mà Huawei đang nhắm tới”, Ben Wood, nhà phân tích trưởng tại CCS Insight, nhận xét. “Huawei đang hy vọng có thể tiếp nối sự dẫn đầu của Apple bằng một nền tảng phần mềm duy nhất có thể mở rộng ra mọi hướng, mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng”. 

Trước đó, vào năm 2019, Huawei đã đưa hệ điều hành HarmonyOS vào TV do thương hiệu con Honor sản xuất. Các lệnh cấm vận của Mỹ năm 2019 khiến nhiều thiết bị hiện có của Huawei không nhận được bản cập nhật hệ điều hành Android. 

Huawei cho biết nhiều điện thoại đời cũ của hãng này có thể nâng cấp lên hệ điều hành HarmonyOS. Việc nâng cấp sẽ bắt đầu từ ngày 2/6 và được thực hiện dần dần tới năm 2022.

 

HarmonyOS được phát triển để kết nối danh mục thiết bị kết nối ngày một đa dạng mà Huawei đang nhắm tới. Huawei đang hy vọng có thể tiếp nối sự dẫn đầu của Apple bằng một nền tảng phần mềm duy nhất có thể mở rộng ra mọi hướng, mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng...

BEN WOOD, CCS INSIGHT

Các lệnh cấm vận của Mỹ khiến tăng trưởng doanh thu năm 2020 của Huawei giảm mạnh do ảnh hưởng tới mảng kinh doanh smartphone và thiết bị viễn thông. Mỹ tiếp tục xem Huawei là mối đe dọa tới an ninh quốc gia bởi cho rằng dữ liệu mà công ty này thu thập có thể được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc - điều mà Huawei liên tục phủ nhận.

Trong bối cảnh đó, tập đoàn Trung Quốc đã phải quay sang mảng phần mềm và thiết bị điện tử tiêu dùng để thúc đẩy doanh thu. HarmonyOS là một phần trong nỗ lực đó, bên cạnh việc tăng cường tập trung vào mảng điện toán đám mây. 

Huawei cho biết gần 100 đầu sản phẩm của công ty sẽ được hỗ trợ hệ điều hành HarmonyOS tại Trung Quốc trong năm nay. Trước đó, công ty này cho biết sẽ có khoảng 300 triệu thiết bị chạy hệ điều hành này trong năm nay. 

LIỆU CÓ ĐI VÀO "VẾT XE ĐỔ" CỦA SAMSUNG, MICROSOFT?

Hiện tại, hai hệ điều hành thống trị thị trường di động là Android của Google và iOS của Apple. Trước đây, nhiều công ty như Microsoft, Samsung cũng từng thử phát triển hệ điều hành riêng nhưng đều thất bại. Nguyên nhân là các hệ điều hành này không đủ quy mô để thu hút các nhà phát triển phần mềm. Nếu không có phần mềm, người dùng sẽ không muốn sử dụng hệ điều hành đó. 

Tuy nhiên, nhằm tránh đi vào “vết xe đổ” của Microsoft và Samsung, Huawei dành sự quan tâm lớn cho hệ thống ứng dụng trên nền tảng HarmonyOS. Quy mô của công ty này cùng số lượng lớn các thiết bị được cho là có thể giúp thu hút các nhà phát triển ứng dụng. 

“HarmonyOS có thể thu hút hệ sinh thái các nhà phát triển ứng dụng và tăng lượng cài đặt trên các thiết bị một cách nhanh chóng”, Neil Shah, đối tác tại Counterpoint Research, nói với CNBC. “Sẽ ngày càng nhiều nhà phát triển nhìn thấy lợi ích. Đây không phải vấn đề quả trứng hay con gà có trước nước”. 

Huawei cũng đã phát triển một bộ ứng dụng gồm bản đồ, trình duyệt với tên thương hiệu Huawei Mobile Services (HMS). HMS tương tự như Google Mobile Services, cung cấp công cụ để các nhà phát triển tích hợp mọi thứ như dịch vụ định vị vào ứng dụng. HMS hiện có 2,7 triệu nhà phát triển đăng ký trên toàn cầu. Huawei hiện cũng sở hữu cửa hàng ứng dụng riêng có tên App Gallery với 540 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng dù có thể thành công ở quê nhà Trung Quốc, hệ điều hành HarmonyOS của Huawei có thể đối mặt nhiều thách thức trên thị trường quốc tế. 

Ngày 2/6, Huawei chính thức ra mắt hệ điều hành HarmonyOS trên smartphone, đồng hồ thông minh và máy tính bảng - Ảnh: Huawei
Ngày 2/6, Huawei chính thức ra mắt hệ điều hành HarmonyOS trên smartphone, đồng hồ thông minh và máy tính bảng - Ảnh: Huawei

Hiện Android và iOS đang thống thị trường hệ điều hành di động, và cả Google lẫn Apple đều thu hút lượng các nhà phát triển ứng dụng khổng lồ. Những ứng dụng phổ biến nhất thế giới đều có mặt trên nền tảng của hai công ty này. 

Bên cạnh đó, cửa hàng ứng dụng của Huawei thiếu vắng những ứng dụng quan trọng của Google - điều quan trọng với người dùng quốc tế. Còn ứng dụng Facebook hiện có thể sử dụng trên hệ điều hành HarmonyOS nhưng không thể tải trực tiếp từ AppGallery. Đây là những thách thức không nhỏ đối với đại gia công nghệ Trung Quốc. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con