Hướng trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng

Chia sẻ

Nghị định 153 sửa đổi đã quy định chi tiết hơn về phương án sử dụng vốn sau khi phát hành thành công trái phiếu. Điều này sẽ đảm bảo an toàn hơn cho nhà đầu tư...

Ông Đỗ Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB
Ông Đỗ Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Liên quan đến dự thảo này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã có buổi trò chuyện với ông Đỗ Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua?

Như mọi người đã biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển sôi động từ năm 2011, khi có các Nghị định hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2012 – 2016 thì thị trường chỉ phát triển theo quy mô vừa phải. Từ 2017 – 2020 có sự phát triển đột biến, tổng lượng phát hành trái phiếu theo thống kế đạt khoảng 1.150 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần tổng giai đoạn 2012-2016. Sang năm 2021, thị trường trái phiếu lại vươn lên một tầm cao mới khi phát hành hơn 600 nghìn tỷ đồng, sự phát triển đột biến, tăng trưởng rất lớn.

Như vậy, đây là một kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh vốn trung dài hạn ngoài nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Tuy nhiên, quy mô thị trường này mới đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021, chiếm khoảng 15% so với thị phần tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 11 triệu tỷ đồng.

Điều này cũng có thể nói rằng, tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất lớn. Đây hứa hẹn, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.

Ông có nhận xét gì giữa hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khung khổ pháp lý hiện nay, thưa ông?

Sự tăng trưởng đột biến trong năm vừa qua đi kèm với chất lượng trái phiếu không đồng đều. Có trái phiếu do tổ chức lớn, các công ty uy tín phát hành, nhưng cũng có trái phiếu phát hành từ công ty làm ăn không đàng hoàng dẫn tới nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Do đó, thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính thường xuyên phải điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường trái phiếu để đảm bảo, hướng đến sự minh bạch cho thị trường trái phiếu.

Tại sao có sự thay đổi như vậy? Đây không phải thiếu sót của cơ quan quản lý, mà thị trường cần thêm hành lang pháp lý để phát triển. Thực tế, không một quy định nào đáp ứng được tất cả các điều kiện phát sinh trên thị trường. Vì vậy, trong quá trình triển khai, cơ quan quản lý đã đúc kết rút ra những thiếu sót để điều chỉnh và khắc phục giúp thị trường ngày càng minh bạch, đảm bảo tính an toàn cho nhà đầu tư.

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp chia thành hai loại gồm phát hành riêng lẻ và phát hành đại chúng.

Đối với trái phiếu riêng lẻ chiếm khoảng 95% thị phần trái phiếu phát hành ra. Như vậy, trái phiếu riêng lẻ đang phát triển rất nóng. Tuy nhiên, như tôi đã nói, trước đây hầu hết là các tổ chức phát hành uy tín, nhưng giờ đã xuất hiện một số tổ chức phát hành có phương án sử dụng vốn không đảm bảo dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 153 nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường. Siết chặt các tổ chức phát hành yếu kém và yêu cầu phải công bố thông tin công khai minh bạch, hướng đến phải xếp hạng tín nhiệm. Đây là tín hiệu rất tốt cho thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 153, có quy định về việc sử dụng đúng mục đích phát hành. Vậy theo ông, điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường nếu được thông qua?

Tại Nghị định 153, mục đích phát hành trái phiếu được quy định rất rõ. Chỉ có 3 mục đích: đầu tư cho dự án; cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp; bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.

Trái phiếu cũng là công cụ nợ giống như các khoản vay tại ngân hàng. Do đó, phải đảm bảo việc người nhân khoản tiền vay phải sử dụng vốn đúng mục đích, đúng phương án khả thi đã đưa ra. Nếu không, làm sao đảm bảo được dòng tiền quay về để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các nhà đầu tư.

Tại Nghị định 153 sửa đổi đã quy định chi tiết hơn, rằng tất cả những thông tin đó phải minh bạch, phải nêu rõ phương án sử dụng, dòng tiền đi về đâu. Điều này càng tạo điều kiện an toàn cho nhà đầu tư, chứ không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. Vì một doanh nghiệp đã minh bạch, đã phát triển tốt thì họ sẵn sàng chia sẻ các thông tin về dự án đầu tư cũng như kế hoạch trong tương lai.

Mặt khác, quy định mới nếu được thông qua còn siết được những doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra định dùng vốn huy động để cho những mục đích sử dụng vốn khác không phù hợp với mục đích đã đưa ra.

Nhìn chung, khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp đã đưa ra một phương án sử dụng vốn và chứng minh phương án đó sẽ có hiệu quả thì các nhà đầu tư mới yên tâm mua trái phiếu, đưa tiền cho doanh nghiệp để thực hiện. Nhưng giờ nếu không dùng theo phương án đó và dùng theo phương án khác thì hoàn toàn xuất hiện rủi ro.

Ví dụ, mọi người cho bạn bè vay tiền, thì phải biết bạn bè vay tiền để làm gì . Chứ người vay tiền lại cầm tiền đi đánh bạc, mua xổ số hay những mục đích khác rất rủi ro thì ai dám cho vay.

Với kinh nghiệm của mình, ông có kiến nghị gì đóng góp cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới?

Hiện tại, các nhà đầu tư các nhân (không chuyên nghiệp) của chúng ta đang có ít thông tin, cũng như khả năng tìm hiểu thông tin của trái phiếu và năng lực đánh giá tài chính doanh nghiệp phát hành hạn chế.

Nghị định 153 hiện tại và dự thảo đang sửa đổi đều hướng tới trái phiếu phát hành riêng lẻ thì phải được mua bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyên nghiệp đó đang bị vượt qua khá dễ.

Trong khi đó, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh thu hút vốn nguồn vốn nhàn rỗi trung hạn cho dự án trung hạn thì đây là mục tiêu rất quan trọng. Điều này giảm đi những gánh nặng của tín dụng ngân hàng, cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ dài hạn.

Vậy nguồn vốn này nằm ở đâu? Nó nằm ở các nhà đầu tư. Mà muốn nhà đầu tư đông lên thì thị trường mới sôi động được, chứ không sẽ xảy ra hiện tượng chỉ có người bán mà không có người mua.

Do đó, Chính phủ phải định hướng cho nhà đầu tư. Với nhà đầu tư không có nhiều kiến thức về tài chính thì họ muốn đầu tư như thế nào? Theo tôi, một số nước trên thế giới, ví dụ như Thái Lan, Malaysia… họ yêu cầu đối với các trái phiếu riêng lẻ thì các nhà đầu tư cá nhân không được mua. Họ phải mua thông qua các quỹ đầu tư. Bởi vì, các quỹ đầu tư có năng lực, kiến thức tài chính để đưa ra quyết định có độ an toàn cao.

Ở Việt Nam, các quỹ đầu tư phát triển chưa nhiều, so với quy mô nền kinh tế. Song song, một số ngân hàng đầu tư trái phiếu và bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân.

Có một vài ưu điểm khi ngân hàng tham gia phân phối vì đã đánh giá, thẩm định trái phiếu doanh nghiệp giúp nhà đầu tư cá nhân. Do đó, các ngân hàng tham gia vào thị trường trái phiếu cũng là hướng nên xem xét.

Ngoài ra cũng có thể đưa ra các biện pháp như trái phiếu phát hành riêng lẻ cần được ngân hàng bảo lãnh thanh toán. Điều này tạo sự an toàn cho trái phiếu, cho các nhà đầu tư.

Vậy ông có khuyến nghị nào cho nhà đầu tư đang dự định tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp không?

Có rất nhiều doanh nghiệp có năng lực không tốt, họ chào bán qua kênh phân phối khác nhau. Thậm chí, họ còn nói đây là hình thức gửi tiết kiệm thông qua trái phiếu. Đấy là rủi ro rất lớn.

Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rất kỹ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu không xem xét kỹ thì có khả năng nghĩa vụ thanh toán nợ sẽ không được thực hiện, tức nhà đầu tư bị mất tiền.

Trong trường hợp chưa đủ năng lực thì nhà đầu tư có thể thông qua các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo việc đầu tư của mình an toàn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con