Hút vốn ETF - Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Trong khi Singapore, Thái Lan thu hút vốn ròng từ ETF thì Việt Nam đang chịu nhiều áp lực rút ra...
Sau nhiều tuần liên tiếp hút vốn, ETF đổ vào Việt Nam liên tiếp đạt kỷ lục. Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn hút ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuần đầu của tháng 5, ETF vào Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục ở mức 110 triệu USD, trong đó chủ yếu là nhờ quỹ VFM VNDiamond hút 15 triệu USD; Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục thu hút gần 90 triệu USD; VANECK VIETNAM ETF 6,7 triệu USD; MAFM VN30 ETF 0,9 triệu USD...
Tuy nhiên, kể từ ngày 5/ 5 đến nay dòng vốn ETF vào Việt Nam đột ngột đảo chiều rút ròng, trong đó, đáng kể nhất phải tính đến quỹ X FTSE Vietnam Swap và VFMVN30 ETF Fund duy trì đà rút ròng liên tục.
Tính riêng tuần vừa qua, dòng vốn tích cực đã quay trở lại Đông Nam Á sau 2 tuần bị rút vốn liên tiếp, ghi nhận ở mức 6 triệu USD. Sự quay trở lại của dòng vốn tích cực là do Singapore thu hút 9 triệu USD trong tuần trước, ghi nhận ở mức cao nhất trong 2 tháng vừa qua. Thái Lan cũng thu hút gần 1 triệu USD. Tuy nhiên, áp lực rút vốn tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức 4 triệu USD bị rút ra ở X FTSE Vietnam Swap và VFMVN30 ETF Fund.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, X FTSE Vietnam Swap đã rút 24,2 triệu USD; VFMVN30 ETF Fund rút 9,4 triệu USD. PREMIA MSCI VIETNAM cũng rút ròng 0,5 triệu USD. Trong khi đó, lực cầu trên VFMVN Diamond đã có dấu hiệu suy yếu sau khi hút ròng liên tục những ngày đầu tháng 5. Các quỹ ETF còn lại gần như không có biến động.
Chứng khoán KIS Việt Nam thống kê cho thấy, luỹ kế 6 tháng, VFMVN DIAMOND ETF đổ vào Việt Nam nhiều nhất với tổng 240 triệu USD; FUBON FTSE VIETNAM ETF xếp vị trí thứ hai với 150 triệu USD; X FTSE VIETNAM SWAP gần 48 triệu USD; VANECK VIETNAM ETF khoảng 47 triệu USD; SSIAM VNFIN LEAD ETF khoảng 46 triệu USD. Trong khi đó, 6 tháng qua VFMVN30 ETF FUND rút ròng lên đến 50 triệu USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, một năm trở lại đây, Singapore là quốc gia luôn giữ vị trí hấp dẫn số 1 trong khẩu vị các quỹ ETF. ETF tập trung chủ yếu ở Singapore với tỷ lệ phân bổ 27%; tiếp theo là Indonesia với tỷ lệ 21%; Thái Lan 18%.
Việt Nam ở vị trí thứ 4 với tỷ lệ phân bổ là 16%. Đứng sau Việt Nam còn có Malaysia 9%; Philipines 4% còn lại 6% là các thị trường khác.
Tại Việt Nam, ETF chủ yếu tập trung ở lĩnh vực Tài chính với tỷ lệ 30%; Bất động sản 14%; Thiết yếu 11%; Dịch vụ công cộng 10%; Công nghiệp 10% còn lại là các lĩnh vực khác như năng lượng, nguyên vật liệu, dịch vụ tiện ích, y tế. Công nghệ thông tin xếp cuối bảng.
Đánh giá chung về hoạt động của dòng vốn quỹ ngoại tại Việt Nam trong tuần qua, theo chứng khoán KIS, hoạt động bán quỹ ngoại tiếp tục duy trì ở mức cao và chiếm ưu thế. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 3.000 tỷ đồng. Bất động sản, Tài chính, và Tiêu dùng thiết yếu tiếp tục chịu áp lực bán cao nhất, tập trung trên VPB, VND, VCB, VIC, KDH, NVL, và VNM, trong khi lực cầu ngoại tập trung trên VHM, THD, SHS, OCB, MSN, và DGC.
Nguyên vật liệu và Năng lượng cũng bị ảnh hưởng từ áp lực bán ròng của khối ngoại, tập trung chủ yếu trên HPG và PLX.
Hiện tại, tỷ lệ nước ngoài nắm giữ theo ngành ở Việt Nam vẫn chủ yếu là Tài chính 34%; Bất động sản 19%; Tiêu dùng thiết yếu 21%; Nguyên vật liệu 6%.