IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh nhưng vẫn cần linh hoạt ứng phó với sức ép rủi ro đang tăng
IMF khuyến nghị Việt Nam điều chỉnh chính sách tài khoá dần dần khi tiến trình phục hồi bám rễ sâu hơn, còn chính sách tiền tệ cần nhanh nhạy, thận trọng trước rủi ro lạm phát...
Trong báo cáo kết luận đợt tham vấn Điều IV1 với Việt Nam vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào tháng 4/2021 đã khiến hoạt động kinh tế trong quý 3/2021 của Việt nam suy giảm mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, chiến dịch triển khai tiêm vaccine đầy ấn tượng đã tạo thuận lợi cho Việt Nam chuyển hướng chiến lược từ quét sạch virus sang sống chung với virus.
PHỤC HỒI MẠNH MẼ NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU RỦI RO
Theo đánh giá ban giám đốc điều hành IMF, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phục hồi và các chỉ số thống kê tần suất cao đều cho thấy đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đều đang tăng lên. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6% và tăng lên 7,2% trong năm 2023.
Việt Nam đã áp dụng những chính sách để giảm nhẹ tác động của đại dịch, đồng thời đã thành công trong việc giữ vững ổn định tài chính, tài khoá, kinh tế đối ngoại, cũng như đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng đầy ấn tượng.
"Tăng trưởng được dự báo đạt mức 6% trong năm 2022 khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường và Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội được triển khai thực hiện", báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá sự phục hồi trên thị trường lao động vẫn còn chậm chạp với tỷ lệ thiếu việc làm còn ở mức cao. Mặc dù lạm phát đã tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hoá thô tăng và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, nhưng lạm phát vẫn còn ở mức thấp so với trần lạm phát của ngân hàng nhà nước do nền kinh tế còn hoạt động cầm chừng, và giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá tương đối ổn định.
Cùng với đó, chính sách tài khoá được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt thông qua triển khai Chương trình Phục hồi, Phát triển Kinh tế-Xã hội. Chính sách tiền tệ được dự báo vẫn tiếp tục thận trọng trước rủi ro lạm phát. Các rủi ro gắn với nợ xấu, bất động sản, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên được theo dõi chặt chẽ, và các khuôn khổ an toàn vĩ mô nên được tăng cường.
Các giám đốc điều hành của IMF hoan nghênh cơ quan chức năng của Việt Nam đã áp dụng những chính sách để giảm nhẹ tác động của đại dịch, đồng thời đã thành công trong việc giữ vững ổn định tài chính, tài khoá, kinh tế đối ngoại, cũng như đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng đầy ấn tượng.
CẦN NHANH NHẠY VÀ THẬN TRỌNG VỚI LẠM PHÁT TRONG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Tuy nhiên, nhóm này đánh giá dù sự phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ nhưng không đồng đều, với thị trường lao động còn đang trì trệ, các điểm dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, và những thách thức về mặt cơ cấu vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay.
Nhận thấy rằng các rủi ro đang nghiêng về phía tiêu cực, IMF kêu gọi cơ quan chức năng cần hoạch định chính sách linh hoạt, chủ động điều chỉnh theo nhịp độ phục hồi và diễn biến rủi ro. Cùng với đó, các giám đốc điều hành nhấn mạnh chính sách tài khoá cần giữ vai trò chủ đạo và được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế luôn biến động.
Hoan nghênh Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, nhóm giám đốc điều hành IMF cũng nhấn mạnh rằng việc xác định đúng trọng tâm, đúng dối tượng, đảm bảo hiệu quả chi, triển khai nhanh chóng là những yêu cầu quan trọng đối với Chương trình.
Việc điều chỉnh tài khoá dần dần khi tiến trình phục hồi bám rễ sâu hơn, đặc biệt chú trọng đến động viên thu ngân sách để tạo không gian tài khoá cho chi tiêu thực hiện các mục tiêu xã hội, biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển khác.
BAN GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH IMF
Nhóm này khuyến khích Việt Nam điều chỉnh chính sác tài khoá dần dần khi tiến trình phục hồi bám rễ sâu hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến động viên thu ngân sách để tạo không gian tài khoá cho chi tiêu thực hiện các mục tiêu xã hội, biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển khác.
Các giám đốc điều hành IMF cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nợ xấu, kịp thời chấm dứt các quy định tạm thời nới lỏng tiêu chuẩn phân loại nợ và trích lập dự phòng, và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản.
"Trong trung hạn, tình hình vốn của các ngân hàng cần được củng cố, các khuôn khổ an toàn vĩ mô và tái cơ cấu nợ tư cần được cải thiện", các giám đốc IMF lưu ý.
Theo nhóm này, trạng thái kinh tế đối ngoại của Việt Nam mạnh hơn so với mức độ phù hợp với các yếu tố nền tảng và chính sách lý tưởng. Ở khía cạnh này, họ kêu gọi cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước và tăng cường các lưới an sinh xã hội.
Họ hoan nghênh các bước đi gần đây của cơ quan chức năng nhằm gia tăng sự linh hoạt của tỷ giá về cả hai chiều cũng như hiện đại hoá chính sách tiền tệ; họ cũng khuyến khích cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực theo hướng này.
Các giám đốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng.
"Nên ưu tiên giảm thiểu những mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, và đảm bảo một sân chơi bình đẳng—đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", nhóm giám đốc điều hành IMF khuyến nghị.
Cũng trong báo cáo, đánh giá cao chương trình bảo vệ môi trường đầy tham vọng của Việt Nam, nhóm giám đốc điều hành IMF thúc giục cần sớm chuyển hoá những mục tiêu thành hành động chính sách cụ thể. Nhóm này cũng hoan nghênh những nỗ lực không ngừng của cơ quan chức năng nhằm củng cố các thể chế kinh tế, tăng cường quản trị, bao gồm cả khuôn khổ AML-CFT, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các khuôn khổ dữ liệu.
Theo Điều khoản IV Điều lệ Thành lập IMF, IMF tiến hành thảo luận song phương với các quốc gia thành viên, thường là định kỳ hàng năm. Một đoàn cán bộ của IMF đến thực địa tại quốc gia được đánh giá, thu thập thông tin tài chính, kinh tế, và thảo luận với cơ quan chức năng của quốc gia đó về tình hình kinh tế và các chính sách. Khi trở về hội sở chính, đoàn xây dựng báo cáo và trình lên Ban Giám đốc Điều hành để thảo luận.