KBSV: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát tín phiếu, hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá
Nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản dầu Brent vượt 93, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá...
KBSV vừa đưa ra những nhận định về áp lực tỷ giá trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng Q1/2024 tăng mạnh chủ yếu đến từ đà tăng của chỉ số DXY, nhu cầu nhập khẩu tăng và các hoạt động găm giữ USD cũng như carry trade.
Ngân hàng Nhà nước mặc dù nhận thấy những áp lực ngay từ đầu năm, đã chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3 nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. KBSV cho rằng lí do khiến cho đợt phát hành tín phiếu này trở nên kém hiệu quả do động thái này chỉ tác động tới hoạt động carry trade của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu và các hoạt động xuất khẩu nhưng trì hoãn, găm giữ USD vẫn tiếp diễn.
Tỷ giá chợ đen diễn biến tiêu cực giai đoạn Q1/2024 do áp lực từ giá vàng. Tỷ giá chợ đen đã duy trì đà tăng liên tục từ tháng 5/2023, vượt đỉnh 25.380 vào tháng 11/2023 và vẫn đang duy trì ở vùng đỉnh vào thời điểm hiện tại. Đà tăng của tỷ giá chợ đen chủ yếu đến từ việc giá vàng thế giới tăng phi mã, tạo sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới (có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng) kích thích nhu cầu arbitrage khiến tỷ giá chợ đen tăng mạnh so với tỷ giá liên ngân hàng.
Trong kịch bản cơ sở, theo KBSV, tỷ giá USD/VND sẽ còn tiếp tục chịu áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2024, được dự báo tăng 3% đạt mức 25.000 VND/USD do mặc dù cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn nhưng áp lực từ DXY và chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND tiếp tục duy trì với sự điều chỉnh về FED Pivot xuống tháng 9.
KBSV tăng dự báo về cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 – 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến 1Q2024 tích cực hơn và được dự báo sẽ còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động carry trade giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn thấp như giai đoạn trước.
Xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 10% - 14% do nhu cầu tiêu thụ tại các nước đối tác lớn ấm lên; Tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy và Xuất khẩu cũng sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của ngành công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử toàn cầu.
Nhập khẩu được dự báo còn nhiều dư địa để tăng trưởng theo sự phục hồi của nền kinh tế nội địa. Tính chung quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 15,4%). Đáng chú ý khi nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng mạnh hơn nhóm vật phẩm tiêu dùng, cho thấy nhu cầu của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.
Xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt do dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là với nhóm khách du lịch Trung Quốc.
Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định, sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.
Cũng theo KBSV, chênh lệch lãi suất trên thị trường giảm không những giảm tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp mà còn giảm bớt áp lực carry trade của hệ thống ngân hàng. Dự báo lãi suất liên ngân hàng ON sẽ duy trì trong khoản 2%-3% trong giai đoạn còn lại của năm, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá.
"Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, Bond yield Mỹ và giá vàng, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu kho bạc. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản dầu Brent vượt 93, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá", KBSV nhận định.