Khi nào tỷ giá hạ nhiệt?
Theo KBSV, áp lực tỷ giá cả năm 2024 nhìn chung sẽ chỉ căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm và không phải yếu tố khiến mặt bằng lãi suất bật tăng mạnh trở lại với kịch bản cơ sở giá dầu WTI không vượt xa ngưỡng 90 USD/thùng...
Tỷ giá được dự báo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng nhưng sẽ dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2024, theo KBSV.
Áp lực tỷ giá gia tăng đã khiến Ngân hàng Nhà nước có động thái hút ròng tín phiếu từ giữa tháng 3 với mục đích làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm áp lực tỷ giá từ hoạt động giao dịch đầu cơ carry trade.
Theo KBSV, trong ngắn hạn, diễn biến tăng của tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ với áp lực lạm phát và giá dầu khiến kỳ vọng về việc FED Pivot lùi dần; giá vàng vượt đỉnh thời đại và được dự báo tiếp tục ở ngưỡng cao gây áp lực lên tỷ giá chợ đen và sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu và động thái găm giữ ngoại tệ.
Với bối cảnh tỷ giá liên ngân hàng tiến sát về vùng chặn bán của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước có thêm các động thái quyết liệt hơn như bán hợp đồng kỳ hạn USD.
Dù vậy, trong trung hạn, với định hướng xuyên suốt là duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp, cùng kỳ vọng chỉ số DXY hạ nhiệt khi tiến gần thời điểm FED hạ lãi suất, KBSV cho rằng áp lực tỷ giá cả năm 2024 nhìn chung sẽ chỉ căng thẳng cục bộ ở 1 vài thời điểm và không phải yếu tố khiến mặt bằng lãi suất bật tăng mạnh trở lại với kịch bản cơ sở giá dầu WTI không vượt xa ngưỡng 90 .
Thêm vào đó, tỷ giá trong năm nay cũng sẽ được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ đến từ hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 20/3 đạt 6,17 tỷ USD tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng đầu năm ước đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% và là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 178,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD (+17%) và nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD (+18%). Tính chung 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD. Hoạt động của doanh nghiệp nội tiếp tục cải thiện và phục hồi khi chỉ nhập siêu 1,29 tỷ USD. Do đó, chúng tôi dự báo tỷ giá tăng 2,5% trong năm nay, đạt 24.850.
Với nền kinh tế Mỹ, trong kịch bản cơ sở, KBSV duy trì dự báo về nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được cuộc suy thoái trong năm nay trong bối cảnh các số liệu vĩ mô công bố thời gian qua cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đồng thời, thời điểm hạ lãi suất của FED lần đầu sẽ rơi vào kỳ họp tháng 6 năm 2024, và tổng cộng FED sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024.
Tác động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam có phần trái chiều. Về mặt tích cực, các số liệu vĩ mô của Mỹ cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro suy thoái, giúp các chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này liên tục đạt đỉnh là yếu tố có tác động tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam do sự đồng pha nhất định đã được quan sát thấy trong nhiều năm trở lại đây nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực.
Về mặt tiêu cực, việc lùi thời điểm FED hạ lãi suất, kết hợp với sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ khiến chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ), trải qua nhịp hồi phục mạnh, kết hợp các yếu tố khác như nhu cầu USD cao giai đoạn đầu năm, chênh lệch lãi suất USD-VND kích hoạt động thái giao dịch đầu cơ tỷ giá, khiến áp lực tỷ giá xuất hiện ngay trong những tháng đầu năm, và Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hút ròng tín phiếu giai đoạn giữa tháng 3.
Dù vậy, áp lực này sẽ chỉ mang tính thời điểm và càng gần thời điểm FED hạ lãi suất, xu hướng DXY sẽ càng hạ nhiệt, trong khi nhu cầu USD trong nước giai đoạn đầu năm cũng sẽ dần qua đi. Về tổng thể, KBSV duy trì quan điểm tích cực đối với những tác động của thị trường chứng khoán Mỹ, và động thái điều hành của FED lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.