Khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công đồng loạt 5 cao tốc trọng điểm năm 2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và TP. HCM chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt tập trung thẩm định nhanh để hoàn thiện hồ sơ có chất lượng, kịp tiến độ trình các cấp...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục vừa ký công văn số 1438 gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND TP. HCM về việc triển khai 5 dự án đường cao tốc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 thành phố chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là phải tập trung thẩm định nhanh để hoàn thiện hồ sơ có chất lượng, kịp tiến độ trình các cấp có thầm quyền.
Sau khi có báo cáo thẩm định, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ bằng phiếu. Riêng dự án Đường Vành đại 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, thực hiện trình xin ý kiến Ban cán sự đảng Chính phủ.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5. Tại kỳ họp này, 5 dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư gồm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. HCM, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nhằm khởi công đồng loạt trong năm 2022, hoàn thành trong năm 2024 - 2025.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Khi tuyến đường Vành đai 4 đưa vào khai thác sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3 hiện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, đồng thời, góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến.
Với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM được kỳ vọng là tuyến đường tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo nghiên cứu, Vành đai 3 TP. HCM dài hơn 91km với tổng mức đầu tư khoảng 910 tỷ đồng/km, bao gồm giải tỏa mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện, xây dựng đường cao tốc, đường song hành... Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 294 tỷ đồng/km.
Trong khi đó, dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài dài hơn 188 km đi qua 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng. Dự án có quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, chiều rộng 32,25 m, tốc độ thiết kế 80 - 100km/giờ, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 117km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 32,7km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng hơn 84km. Sơ bộ tổng mức dự án đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 21.935 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị ước khoảng hơn 15.600 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km, đoạn qua địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5 km. Tuyến đường có quy mô 4-6 làn xe, được đề xuất đầu tư công với tổng vốn dự kiến 17.837 tỷ đồng…