Khoảng trống thông tin về hệ thống KRX sẽ khiến nhóm chứng khoán gặp khó trong ngắn hạn?
Mức giá hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024 cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX có thể sẽ đưa nhóm cổ phiếu chứng khoán vào các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn...
Trong 4 tháng đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những nhịp tăng giá mạnh mẽ so với thị trường chung, phản ánh kì vọng của thị trường vào đà tăng của VN-Index cũng như việc vận hành hệ thống KRX vào cuối năm.
Tuy nhiên, khoảng trống về tiến độ vận hành KRX sẽ khiến nhóm chứng khoán phải điều chỉnh trong ngắn hạn, theo quan điểm của Chứng khoán KBSV.
Cụ thể, theo KBSV, thanh khoản thị trường sẽ duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm nhờ nền lãi suất thấp. Mặc dù áp lực tỷ giá tại thời điểm hiện tại khiến các Ngân hàng đều đánh giá cao khả năng lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 100-150bps từ mức thấp đầu năm, mức nền lãi suất sau khi tăng chỉ cao hơn giai đoạn 2021 – 2022 khoảng 30-50bps qua đó kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các động thái kì vọng giảm lãi suất từ các NHTW lớn như ECB, FED, BOJ… trong 2H2024 và 2025 sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Việt Nam, qua đó có thể tác động làm thay đổi động thái bán ròng của khối ngoại đã diễn ra trong nửa đầu năm 2024.
Tháng 3/2024, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để chính thức trở thành thị trường mới nổi. Theo báo cáo từ FTSE, Việt Nam hiện còn 2/9 điều kiện để được nâng hạng bao gồm: Chuyển giao đối ứng thanh toán chấm mức “Hạn chế” do hiện tại, nhà đầu tư cần có tiền khi đặt lệnh giao dịch thay vì chỉ cần có tiền khi thực hiện giao dịch; Tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm do nhà đầu tư hiện cần có đủ 100% tiền mặt khi đặt lệnh giao dịch nên không xảy ra giao dịch thất bại.
Theo quan điểm của KBSV, khả năng để thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kì tháng 9/2024 là không cao do để thay đổi quy trình giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (pre-funding) cần thời gian để các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế cũng như các công ty chứng khoán cần chuẩn bị về nguồn lực, hệ thống và các phương án quản trị rủi ro phù hợp.
Tuy nhiên, với quyết tâm từ phía chính phủ, KBSV kì vọng Thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong năm 2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm
2025 – 2026.
Các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn trong phần còn lại của năm 2024. Theo tổng hợp của KBSV, nhóm công ty chứng khoán dự kiến tăng tổng cộng hơn 26 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ tương đương mức tăng ~ 23% so với 1Q2024 thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và ESOP.
Một số trường hợp đáng chú ý như VND dự kiến phát hành mới 511,5 triệu cổ phiếu, SHS phát hành 818,2 triệu cổ phiếu hay VIX phát hành mới 655,97 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn mới tăng thêm sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán, cụ thể tăng nguồn lực cho vay kí quỹ; Tăng nguồn lực cho mảng đầu tư; Đầu tư cho hệ thống, công nghệ, nhân sự.
Hiện tại, các cổ phiếu trong ngành đều đang giao dịch ở mức trên hoặc tiệm cận vùng std+1 của trung bình P/B 5 năm. Mức giá hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong 2H2024 cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX có thể sẽ đưa nhóm cổ phiếu chứng khoán vào các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn.
Nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư vào các nhịp điều chỉnh đối với nhóm cổ phiếu đầu ngành, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nguồn lực mạnh mẽ cũng như đang ở vùng giá tương đối hợp lý như SSI, HCM, VCI. Đối với nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán cỡ trung và đã có nhịp tăng mạnh như FTS, MBS và BSI, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh sâu và cần theo dõi chặt chẽ hiệu quả danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán này.