Khởi công dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam vào năm 2024
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái dịnh cư, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đồng thời tiến hành đàm phán hiệp định vay để khởi công trong năm 2024...
Bộ Giao thông vận tải, ngày 20/9/2023 đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan đến dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Trong kiến nghị trước đó gửi đến Bộ Giao thông vận tải thông qua Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến, cử tri tỉnh Bến Tre kiến nêu thắc mắc: Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, tại xã Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có 163 hộ có đất trong khu quy hoạch thực hiện dự án. Khi nào dự án sẽ được triển khai thực hiện để người dân chủ động trong việc sửa chữa nhà ở, canh tác?
Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.
Về tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải thông tin là đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án đường thủy - chủ đầu tư, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi đã có khung chính sách bồi thường (dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023), Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đồng thời tiến hành đàm phán hiệp định vay với WB dự kiến từ quý 4/2023. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong năm 2024.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tỉnh Bến Tre quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ của dự án.
Dự án hạ tầng đường thủy này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 04/8/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam”. Tổng mức đầu tư của dự án là 168,795 triệu USD (tương đương 3.901,377 tỷ đồng) sử dụng vốn vay WB và khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó: Vốn vay WB là 107,273 triệu USD, tương đương 2.479,417 tỷ đồng; vốn do Chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại là 0,582 triệu USD, tương đương 13,451 tỷ đồng; vốn đối ứng là 1.408,509 tỷ đồng, tương đương 60,94 triệu USD.
Dự án bao gồm công trình cải tạo hai hành lang đường thủy phía Nam. Cụ thể: Hành lang đông tây sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông; và hành lang bắc nam sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Dự án có thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền bố trí vốn (từ năm 2023 đến hết năm 2027). Địa điểm thực hiện dự án là các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai.
Trước đó, ngày 27/02/2023, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Công văn số 1819/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan đến liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường bộ ven sông, biển.
Trong kiến nghị của mình, cử tri tỉnh Bến Tre cho biết: Bến Tre là một trong những tỉnh có bờ biển dài và hệ thống sông ngòi chằng chịt, có tiềm năng phát triển giao thông đường bộ ven sông, biển kết hợp đường thủy, phù hợp với định hướng phát triển Bến Tre về hướng đông. Đề nghị trung ương quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư khai thác tiềm năng này.
Với kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải cho biết ủng hộ tỉnh Bến Tre về mục tiêu phát triển đột phá một số ngành kinh tế biển chủ lực như kinh tế thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; năng lượng tái tạo; đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp giá trị gia tăng cao; cảng biển - logistic,… tạo hành lang phát triển kinh tế không chỉ cho tỉnh Bến Tre mà cả khu vực.
Tuy nhiên, do các công trình này đều thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre nên Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Bến Tre chủ động cân đối ngân sách địa phương để đầu tư, trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương.