Khối ngoại cấp tập rút tiền về, triển vọng sẽ là tuần kỷ lục trong vòng 2 năm
Thị trường vượt qua áp lực chốt lời khá tốt trong phiên chiều nay, nhưng khối ngoại một lần nữa cho thấy hành động đi ngược đáng chú ý. TCB không bị bán thêm nữa, nhưng đến lượt loạt cổ phiếu như VHM, VRE, VNM, NVL, MSN, VND bị xả cực lớn. Tổng giá trị bán ròng trên HoSE hôm nay lên tới gần 1.327 tỷ đồng...
Thị trường vượt qua áp lực chốt lời khá tốt trong phiên chiều nay, nhưng khối ngoại một lần nữa cho thấy hành động đi ngược đáng chú ý. TCB không bị bán thêm nữa, nhưng đến lượt loạt cổ phiếu như VHM, VRE, VNM, NVL, MSN, VND bị xả cực lớn. Tổng giá trị bán ròng trên HoSE hôm nay lên tới gần 1.327 tỷ đồng.
Phiên chiều khối ngoại thậm chí tăng mạnh cường độ giao dịch, giá trị cổ phiếu xả thêm trên HoSE lên tới xấp xỉ 2.820 tỷ đồng nữa. Phía mua đối ứng có gần 2.290 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng khoảng 530 tỷ. Phiên sáng khối này đã xả 796,8 tỷ đồng.
TCB vẫn chỉ ghi nhận mức bán ròng 192,3 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với phiên sáng, nghĩa là vị thế giao dịch ròng của khối ngoại đã dừng lại. Tuy nhiên VHM xuất hiện mức bán ròng tăng vọt lên 323,8 tỷ đồng trong khi buổi sáng mới bán khoảng 170,9 tỷ. VRE từ mức 116,1 tỷ vọt lên 255,9 tỷ. VNM từ 70,5 tỷ lên xấp xỉ 160 tỷ. Còn lại có NVL -158,5 tỷ, MSN -122,4 tỷ, VND -112,1 tỷ, HPG -74 tỷ, GEX -66,1 tỷ, VCI -42,6 tỷ, CTG -41,3 tỷ, VCB -32 tỷ, DIG -30 tỷ…
Phía mua ròng có STB +183,9 tỷ SSI +46 tỷ, MWG +34,8 tỷ, FTS +31,8 tỷ, HCM +31,5 tỷ, VPB +30,5 tỷ…
Mức bán ròng hôm nay tuy kém hôm qua một chút (-1.822,3 tỷ đồng) nhưng hôm qua chủ yếu là bán MSN. Phiên này diện bán rộng hơn nhiều và nhiều cổ phiếu bị xả cực lớn. Riêng rổ VN30 bị bán ròng khoảng 997 tỷ đồng tức là các mã vừa và nhỏ cũng bị xả lên tới gần 330 tỷ.
Dù mới qua 4 phiên nhưng tuần này đã ghi nhận lượng vốn rút ròng của khối ngoại với cổ phiếu sàn HoSE tới gần 3.834 tỷ đồng, đã vượt qua kỷ lục của năm 2023 là tuần từ 4-8/12/2023 với 3.443 tỷ đồng. Tuần bán ròng kỷ lục với cổ phiếu trên HoSE được ghi nhận gần nhất là từ 7-11/3/2022 với quy mô 4.741 tỷ đồng, chưa kể bán các chứng chỉ quỹ ETF khoảng 600 tỷ nữa. Trừ phi ngày cuối tuần khối này quay lại mua ròng, bằng không tuần này sẽ là tuần rút vốn về kỷ lục trong vòng 2 năm của nhà đầu tư nước ngoài.
Động thái bán ròng mạnh mẽ đã bước sang phiên thứ 13 liên tục và đang có tín hiệu lớn hơn. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá vẫn đang liên tục có đỉnh mới dù Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục phát hành tín phiếu hút tiền về và quy mô nhỏ dần. Trong 3 ngày gần nhất mức phát hành tín phiếu lần lượt là 7.200 tỷ, 3.700 tỷ và 8.700 tỷ đồng. Đây là quy mô khá nhỏ so với liên tục 10 ngày trước đó đều quanh 15.000 tỷ đồng (duy nhất một ngày 10.000 tỷ).
Cũng cần lưu ý là hoạt động bán ra mạnh của khối ngoại được thực hiện qua thỏa thuận khá nhiều. Hôm nay khoảng 3.119 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận chung, chiếm khoảng 11,2% tổng giá trị giao dịch HoSE và HNX. Nhiều cổ phiếu bị xả trực tiếp khiến giá giảm nhưng cũng nhiều mã giao dịch thỏa thuận nên không bị ảnh hưởng. VHM đóng cửa tăng 1,88%, TCB tăng 5,38%, MSN tăng 0,8%, HPG, VCI tăng 17%, CTG tăng 0,7%. Nhóm yếu có VRE giảm 1,16%, VNM tham chiếu, NVL giảm 2,49%, VND giảm 0,43%, GEX giảm 1%...
Thị trường phiên chiều vẫn có nửa đầu phiên chịu thêm áp lực bán ra từ sáng. VN-Index trượt giảm tiếp và chạm đáy lúc 2h, chỉ còn tăng khoảng 2,4 điểm. Tuy nhiên thời gian còn lại cổ phiếu hồi lên khá nhiều, giúp chỉ số chốt ngày tăng 7,09 điểm tương đương +0,55%. VN30-Index tốt hơn đáng kể, tăng 1,12% chủ yếu nhờ trọng số vốn hóa của TCB, STB, FPT, ACB, SSI cao hơn so với trong VN-Index.
Chỉ số chính đang chịu thiệt do các trụ tương đối kém. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường thì chỉ có VHM, VIC, TCB và FPT tăng hơn 1%. VCB, HPG đỏ, GAS tham chiếu, còn lại BID, CTG, VPB tăng kém.
Độ rộng sàn HoSE lúc đóng cửa cho thấy sự phân hóa tích cực vẫn được duy trì nhờ 254 mã tăng/209 mã giảm. Phía tăng có 71 mã tăng trên 1%, nhiều hơn phiên sáng (50 mã), thanh khoản chiếm khoảng 40% giá trị sàn, nếu trừ giao dịch của TCB cũng chiếm gần 34%. Phía giảm có 54 mã mất hơn 1%, cũng nhiều hơn phiên sáng (34 mã) với tỷ trọng thanh khoản gần 15%. Như vậy thị trường vẫn đang có sự vận động tích cực và hiệu quả của dòng tiền đẩy giá.