Kích thích thói quen tiêu dùng online bằng cách nào?

Tú Uyên
Chia sẻ

Sự bùng nổ của công nghệ đã và đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng trực tuyến của người tiêu dùng. Đây là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Mua sắm và thanh toán online đang gia tăng nhanh
Mua sắm và thanh toán online đang gia tăng nhanh

Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy việc mua sắm và thanh toán trực tuyến (online) vốn đã phát triển nhanh nay còn gia tăng mạnh mẽ ở tất cả các nhóm tiêu dùng, hình thành nên xu hướng tiêu dùng mới.

Mua sắm và thanh toán online đã và đang gia tăng nhanh chóng trong năm qua. Tất cả là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của việc ứng dụng các công nghệ mới như ngân hàng số, thanh toán qua QR Code, ví điện tử... và sự phong phú của trang thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee, Tiki... cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thanh toán không dùng tiền mặt.

THAY ĐỔI THÓI QUEN TIÊU DÙNG

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng online vì sự tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN lựa chọn phương thức bán hàng online, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0. Đặc biệt, mua sắm online sau các đợt bùng phát Covid-19 vẫn tăng cao. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 62% ý kiến cho biết vẫn duy trì mua hàng trên mạng.

Thói quen tiêu dùng online cũng thể hiện các hoạt động trực tuyến của người dùng. Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy, hầu hết người dùng trong khu vực hiện dành từ 5 đến 10 giờ để online mỗi ngày và điều này hoàn toàn dễ hiểu. Đông Nam Á luôn là khu vực tập trung đông đảo người dùng trẻ và hoạt động online tích cực. Các hoạt động online chủ yếu là mua sắm (64%), giao dịch tài chính (47%), tham gia lớp học, giao tiếp xã hội (39%)...".

Là thương hiệu cung cấp gia dụng, nội thất đến từ Hàn Quốc, ngoài nhà máy, Lock&Lock dành không ít đầu tư trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ khá hiệu quả ở Việt Nam nhiều năm qua. Đến cuối 2017, Lock&Lock mới "dạm ngõ" TMĐT và bén duyên với Shopee vào đầu 2018. Kết quả, kênh phân phối này hoàn toàn gây bất ngờ cho những người điều hành. Trong hai năm liên tiếp, doanh thu từ TMĐT của Lock&Lock đều đạt mức tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ. Trong đó, Shopee chiếm 40% tổng doanh số đến từ kênh TMĐT của Lock&Lock.

"Covid-19 tác động trực tiếp đến các kênh bán lẻ truyền thống. Không có TMĐT, có lẽ, chúng tôi không thể đảm bảo doanh số của năm 2020", ông Ha Min Ho, quản lý ngành hàng Lock&Lock Việt Nam chia sẻ. Theo ông, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh hơn hẳn, vươn lên vị trí dẫn đầu.

Nhãn hàng thời trang GUMAC cũng đạt kết quả bất ngờ dù mới chính thức tham gia sàn TMĐT. Bà Bùi Thị Thảo Vi, Quản lý kênh kinh doanh qua sàn TMĐT tại GUMAC, cho biết" "GUMAC nhanh chóng trở thành top ngành hàng thời trang với tốc độ tăng trưởng thần tốc mỗi tháng. Không chỉ ở doanh thu "khủng" đem về sau mỗi chiến dịch "Brand Day - Ngày Thương Hiệu" mà mỗi ngày, doanh thu cũng đều ở mức cao và hàng nghìn đơn hàng được chốt qua mỗi chương trình khuyến mãi".

Các sàn TMĐT lớn như Lazada, Tiki, Sendo... cũng liên kết với các DN, mang đến nhiều sản phẩm tốt, giá rẻ... góp phần kích thích thói quen tiêu dùng online của người dân.

Ngoài ra, công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng smartphone vừa được Visa và ngân hàng Sacombank phối hợp triển khai, kết hợp với giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc - một ứng dụng di động đơn giản, cho phép DN sử dụng smartphone và máy tính bảng như một thiết bị thanh toán không tiếp xúc. Công nghệ này giúp người tiêu dùng có thể thanh toán không tiếp xúc khi nhận hàng, loại bỏ lo ngại về bảo mật trong thanh toán online...

ĐẨY MẠNH THANH TOÁN KHÔNG TIỀN MẶT

Việc chú trọng đầu tư công nghệ số và sự góp mặt của rất nhiều đơn vị trung gian thanh toán đã khiến hình thức mua sắm và thanh toán online ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, các đơn vị thanh toán trung gian như MoMo, Zalo Pay, Ngân Lượng, QR Pay... các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki,... và các dịch vụ trực tuyến như Grab, Bee, Gojek... cũng đã tác động tích cực đến việc mua sắm và thanh toán của người dân.

Theo các khảo sát của Visa năm 2020, kết nối thông minh đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam với hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, với 129,5 triệu thuê bao di động, hơn một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về các giải pháp thanh toán online của người tiêu dùng.

Tương tự, báo cáo thị trường thanh toán điện tử Landscape 2020 cũng cho thấy, riêng năm 2020, các giao dịch qua Internet, smartphone tăng trưởng đến 238%. Mức độ phát triển mạnh mẽ của những ứng dụng thanh toán điện tử với hơn 78 tổ chức, công ty cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua smartphone đã hình thành hệ sinh thái mua sắm và thanh toán online tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Hiện có 4 hình thức thanh toán điện tử bằng thẻ tín dụng, cổng thanh toán, smartphone và ví điện tử. Trong các hình thức, thanh toán bằng thẻ tín dụng hiện chiếm cao nhất, lên đến 90% trong tổng tỷ lệ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, ví điện tử cũng đang phát triển và là hình thức thanh toán khá tiện dụng, phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Thông tin từ MoMo cho thấy, số người dùng Ví điện tử MoMo tăng mạnh thời gian gần đây. Riêng đợt dịch Covid-19, số người dùng mới của Ví điện tử này đã tăng 30-40%. "Tính đến nay, lượng người dùng ví MoMo đạt 20 triệu tài khoản, gấp 40 lần so với cách đây 5 năm. Quan trọng nhất là thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi. Đây là tín hiệu khả quan cho sự phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - quốc gia được đánh giá có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng smartphone và mạng xã hội với tỉ lệ thâm nhập Internet ở mức hơn 60%", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT Ví MoMo nhấn mạnh.

BẢO MẬT LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG

Thừa nhận tiêu dùng online đang phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng các chuyên gia cho rằng, hoạt động này tăng cao ở mua sắm, còn thanh toán chưa thực sự đạt như kỳ vọng.

Khảo sát của Kaspersky, có đến 69% người dùng lo ngại khi thực hiện giao dịch tài chính online. Có thực trạng này là niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sản phẩm không đúng với chất lượng thực tế. Do đó, nhiều giao dịch thanh toán tiền mặt khi nhận hàng hoặc nếu có thanh toán online thì chủ yếu là những mặt hàng có giá trị thấp.

Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao của Tiki, cho biết: tại sàn TMĐT Tiki, với khoảng 4,5- 5 triệu đơn hàng mỗi tháng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt. Nguyên nhân nằm ở việc lo ngại bị đánh cắp thông tin tài khoản qua mạng.

Để người tiêu dùng chọn thanh toán online cho các hoạt động mua sắm, thay vì trả tiền mặt khi nhận hàng, sự tin cậy và bảo mật là yếu tố quan trọng. Theo TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số TMĐT khoảng 35 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi hỗ trợ các DN tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người dùng...

Đại diện Tiki cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, Tiki còn đề xuất các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn TMĐT.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, thời gian qua, các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán cũng tăng cường các biện pháp bảo mật như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), QR Pay, sinh trắc học, OTP... để khách hàng có thể yên tâm giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, tiêu dùng online, đặc biệt là thanh toán online sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới nếu người tiêu dùng tin rằng sản phẩm họ đặt mua có chất lượng tốt và thông tin tài khoản/thẻ của họ được bảo mật.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con