Kiến nghị đưa nghề nấu ăn ở cấp mầm non vào nhóm công việc nặng nhọc
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu bổ sung công việc nấu ăn cho các trường mầm non công lập thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết mới đây đã nhận được đơn đề nghị của các nhân viên nuôi dưỡng, hiện đang công tác tại các trường mầm non công lập thuộc TP. Hà Nội, về việc bổ sung nghề nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Qua nghiên cứu đơn đề nghị; từ căn cứ thực tiễn các cơ sở pháp lý hiện hành,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: Nghề nấu ăn cho từ 100 suất trở lên chỉ được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm khi diễn ra tại “các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể” và trong lĩnh vực du lịch (điều kiện lao động loại IV).
Như vậy, công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng cho các trường mầm non công lập không thuộc đối tượng trong Danh mục của Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tính chất đặc thù của bậc học mầm non, có thể thấy việc giáo dục trẻ trên lớp và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là 2 nhiệm vụ quan trọng, song hành và không thể tách rời. Cùng với công việc dạy trẻ, việc nấu ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, yêu cầu an toàn, vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Vì vậy, công việc của các nhân viên nuôi dưỡng cần được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách hợp lý.
Mặc dù vậy, theo đơn phản ánh, công việc hàng ngày của các nhân viên nuôi dưỡng mặc dù có khối lượng lớn (chuẩn bị cho khoảng từ 300 đến 800 suất ăn mỗi ngày), nhưng diễn ra trong điều kiện thiếu đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động.
Đơn cử như môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, tư thế làm việc gò bó, thường xuyên làm việc với trang thiết bị dễ gây tai nạn, chịu ảnh hưởng từ các hóa chất tẩy rửa....Do đó, rất nhiều nhân viên trong quá trình lao động đã gặp tai nạn, chịu thương tật vĩnh viễn.
Đối chiếu với quy định “nấu ăn trong các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể có từ 100 suất ăn trở lên” trong lĩnh vực du lịch, công việc nấu ăn của các nhân viên nuôi dưỡng có nhiều điểm tương đồng khi cùng nấu ăn với số lượng lớn, điều kiện làm việc thậm chí khó khăn hơn do nhân sự ít, cơ sở vật chất hạn chế, thường xuyên phải làm việc ngoài trời dưới thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, với tính chất tương tự, việc nấu ăn trong các trường mầm non công lập chưa được công nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, theo phản ánh, mức lương của các nhân viên nuôi dưỡng hiện khá thấp. Nhìn chung chưa thể hiện được sự bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, khả năng lao động từ công việc của họ.
Từ những thực tiễn như vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, quyết định bổ sung công việc “nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên” thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Hiện nay, theo Thông tư 11 đã có hơn 1.800 nghề thuộc Danh mục nghề nặng nhọc độc hại và nguy hiểm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động được người sử dụng lao động đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Họ sẽ được hưởng mức phụ cấp độc hại nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự suy giảm khả năng lao động.
Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.