Còn "lỗ hổng" trong công tác an toàn lao động?
Theo các chuyên gia, từ vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái vừa qua khiến nhiều công nhân bị nạn, một lần nữa đặt ra vấn đề về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp cần được chú trọng để không xảy ra các sự cố tương tự...
Mới đây, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Nhà máy xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Hậu quả đã làm 7 công nhân tử vong và 3 người khác bị thương.
HUẤN LUYỆN VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG CẦN SÁT VỚI THỰC TIỄN
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do sai sót trong việc thực hiện quy trình vận hành sửa chữa, hiện chưa có dấu hiệu tác động khách quan. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đặt ra những lo ngại về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp hiện nay.
Trao đổi với báo chí, TS. Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP.HCM, đồng thời cũng là một chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, cho rằng vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái vừa qua là loại công việc làm việc trong không gian hạn chế.
Đây là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được pháp luật quy định tại Thông tư 06/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; là công việc bắt buộc tuân thủ Quy trình làm việc nghiêm ngặt theo Quy chuẩn Việt Nam 34:2018/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Theo ông Trọng, thực tế hiện hay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ.
Tuy nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm; chưa chú trọng trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Việc huấn luyện cũng còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể.
Bên cạnh đó, về thời gian tập huấn an toàn vệ sinh lao động là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, song chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch.
Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng, thực hiện chưa tốt, chưa triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn về an toàn vệ sinh lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời...
Vì thế, từ vụ việc xảy ra tại Yên Bái, chuyên gia cho rằng cần rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra các sự cố tương tự ở các cơ sở lao động.
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG QUY TRÌNH LÀM VIỆC AN TOÀN
Nhằm giảm thiểu những sự cố thương tâm về tai nạn lao động, chuyên gia Đặng Xuân Trọng, nhấn mạnh trước hết cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Người lao động làm việc trực tiếp cần được trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp.
Đặc biệt, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; đồng thời cần bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại cần được bố trí đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ…
Trước đó, tại cuộc họp thông tin về Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cũng thừa nhận công tác an toàn vệ sinh lao động hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 16.300 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động trong năm qua.
Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ và người bị nạn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…