Lãi suất cao ngất nhưng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn èo uột
Tính chung 7 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành xấp xỉ 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% mặc dù lãi suất tới 12%/năm, trong khi nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng 67,5% nhưng lãi suất thấp hơn nhiều...
Ngày 5/8, thông tin về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong tháng 7/2024 (tính từ ngày 01/07 đến ngày 26/07) có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng khoảng 45 nghìn tỷ đồng, giảm 15% so với tháng 6/2024 song tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau quý đầu năm ảm đạm, từ quý 2/2024, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý 2/2024 có sự phục hồi khá mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng. Tiếp tục phát hành sôi động, trong tháng 7/2024, tổ chức tín dụng chiếm phần lớn khối lượng với 78%, giá trị phát hành đạt 35,1 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng phát hành trái phiếu với mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đứng sau là doanh nghiệp bất động sản phát hành 5,5 nghìn tỷ đồng (12,1%). Các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng (9,9%).
Phân theo trái phiếu có tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính cho biết có 6,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm, chiếm 14% khối lượng phát hành. Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 86,5%; trái phiếu của tổ chức tín dụng không có tài sản đảm bảo.
"Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với với khối lượng 161,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023".
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Tính chung 7 tháng đầu năm, phân theo loại hình doanh nghiệp phát hành, tổ chức tín dụng vẫn chiếm áp đảo lượng phát hành trong 7 tháng đầu năm 2024, với hơn 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,5% khối lượng phát hành.
Còn nhóm doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành gần 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng lượng phát hành. Nhớ lại thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng, hai nhóm ngân hàng và bất động sản luôn bám đuổi sát nút nhau về tỷ trọng khi hút tiền qua kênh trái phiếu.
Lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn thuộc nhóm cao nhất hiện nay, bình quân lên tới 12%/năm, với kỳ hạn ngắn.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành 13,8 nghìn tỷ đồng, với tỷ trọng 8,5%.
Phân theo trái phiếu có tài sản đảm bảo, theo Bộ Tài chính, khoảng 24 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm, chiếm 14,9% khối lượng phát hành. Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 84,4%; trái phiếu của tổ chức tín dụng không có tài sản đảm bảo.
Cũng theo Bộ Tài chính, khối lượng mua lại trước hạn là 88,8 nghìn tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Về tình hình thị trường thứ cấp, Bộ Tài chính cho biết trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch đạt 566.857 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.049 tỷ đồng/phiên.
Theo đánh giá, thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được cải thiện rõ rệt sau 1 năm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động (ngày 19/7/2023).
Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng đầu tiên khai trương thị trường đạt 250,6 tỷ đồng/phiên, đến cuối năm 2023 là 1.880,6 tỷ đồng/phiên. Đến cuối tháng 6/2024, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân đạt 4.092,9 tỷ đồng/phiên.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng được vận hành an toàn, thông suốt, quy mô thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lấy lại đà tăng trưởng.
Tại thời điểm khai trương sàn, thị trường có 19 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với giá trị 617.610,1 tỷ đồng.
Cuối quý 2/2024, quy mô thị trường lên tới 997 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 259 tổ chức phát hành, giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 706.236,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, hệ thống thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng phát triển nhanh chóng từ 5 thành viên tại ngày khai trương thị trường, đến cuối năm 2023, thị trường đã có 36 thành viên giao dịch.
Đến cuối quý 2/2024, hệ thống thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có 48 thành viên gồm 44 công ty chứng khoán và 4 ngân hàng thương mại. Trong đó, 45/48 thành viên có giao dịch trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thống kê giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ khi hệ thống giao dịch đi vào hoạt động đến ngày 30/6/2024 cho thấy, các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất gồm có trái phiếu của tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng giao dịch 45,71% toàn thị trường, tương ứng giá trị giao dịch 324.246 tỷ đồng.
Trái phiếu của các công ty bất động sản chiếm xấp xỉ 30% giá trị giao dịch của thị trường, tương ứng giá trị giao dịch 212.577 tỷ đồng.
Thị trường thứ cấp phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường sơ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường sơ cấp phát triển lành mạnh và bền vững hơn.