Sắp diễn ra hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm”
Ngày 17/5 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm”...
Sau giai đoạn “bùng nổ” với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 45% trong giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu rơi vào giai đoạn “khủng hoảng niềm tin” với hàng loạt sự cố dồn dập năm 2022.
Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới “rơi” vào đình trệ trong năm 2022 và kéo dài tới nửa đầu năm 2023.
Nhờ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, thị trường trái phiếu năm 2023 đặc biệt là những tháng cuối năm đã trở lại dù chưa phục hồi mạnh mẽ như giai đoạn trước đó. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) cho thấy, giá trị phát hành mới trong năm 2023 đạt 333.988 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2022. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt mức 296.917 tỷ đồng, tăng 19,4%; giá trị phát hành ra công chúng đạt 37.070 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ.
Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự cải thiện rõ rệt theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc 2022-2023 nhưng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Đặc biệt, giá trị phát hành ra công chúng chưa có sự thay đổi mạnh như kỳ vọng.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thì cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai so với các quốc gia trong khu vực, nơi sử dụng xếp hạng tín nhiệm cho các hoạt động liên quan đến trái phiếu khá phổ biến, chẳng hạn tại Indonesia là 92%, Thái Lan 84%, Malaysia 56%.
Với mục tiêu đó, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” để chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và việc áp dụng cho Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên mức tối thiểu 25% GDP vào năm 2030.
Hội thảo sẽ tập trung vào hai nội dung chính:
- Phần 1: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào việc phân tích, nhận định thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm thúc đẩy thị trường từ các nước trong khu vực.
- Phần 2: Phát triển thị trường trái phiếu GSS (Xanh – Xã hội và Bền vững) nhằm đưa ra các giải pháp tăng tốc hoạt động tài chính bền vững tại Việt Nam.
Hội thảo có 3 bài tham luận quan trọng:
(i) Xu hướng và Điểm nghẽn năm 2024 của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam – Từ góc nhìn xếp hạng tín nhiệm
(ii) Thời điểm bắt đầu chu kỳ mới: Kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng bền vững từ các thị trường khu vực”;
(iii) Tăng tốc hoạt động tài chính bền vững tại Việt Nam và xa hơn".
Cùng các khách mời thảo luận:
+ Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam;
+ Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
+ Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc VIS Rating;
+ Ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings;
+ Bà Tạ Thị Bích Thảo, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.
Ngoài ra, tham gia thảo luận còn có đại diện đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam và đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp…
Chương trình sẽ được phát sóng trên các nền tảng VnEconomy.vn, Fanpage VnEconomy, Youtube VnEconomy vào ngày 17 tháng 5 năm 2024.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!