Lại tranh thủ bán, VN-Index mất sạch đà tăng, HVN “hạ cánh cứng” ở giá sàn
Từ mức tăng xấp xỉ 10 điểm cuối phiên sáng, đóng cửa chiều nay VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm. Thay đổi bất ngờ này không chỉ đến từ hiện tượng suy yếu của nhóm cổ phiếu blue-chips, mà còn có cả trăm cổ phiếu đảo chiều quay đầu giảm. Thanh khoản hai sàn phiên chiều tăng gần 28% so với buổi sáng, xác nhận có đợt bán mới...
Từ mức tăng xấp xỉ 10 điểm cuối phiên sáng, đóng cửa chiều nay VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm. Thay đổi bất ngờ này không chỉ đến từ hiện tượng suy yếu của nhóm cổ phiếu blue-chips, mà còn có cả trăm cổ phiếu đảo chiều quay đầu giảm. Thanh khoản hai sàn phiên chiều tăng gần 28% so với buổi sáng, xác nhận có đợt bán mới.
Chốt phiên sáng độ rộng VN-Index rất tích cực với 282 mã tăng/121 mã giảm. Độ rộng co lại dần chiều nay theo chiều chỉ số trượt dốc, đến gần 2h đã trở nên cân bằng. Đóng cửa, sàn HoSE còn 211 mã tăng/215 mã giảm, nghĩa là cả trăm cổ phiếu đảo chiều. VN-Index kết phiên tăng nhẹ 1,36 điểm (+0,11%) có thể xem là một thất bại.
Sau 4 phiên giảm liên tiếp thị trường đã hồi lại tích cực trong buổi sáng. Đà tăng có lực, thanh khoản tăng, độ rộng tốt, có nhóm trụ dẫn dắt. Thị trường không có tín hiệu nào sẽ suy yếu trong phiên chiều, thậm chí là có thể còn bùng nổ hơn nữa. Bất ngờ là lực cầu không còn đủ sức duy trì vùng giá cao nữa, trong khi bán lại tăng áp lực. Sàn HoSE phiên chiều tăng thanh khoản gần 28% so với phiên sáng, trong khi độ rộng co lại nhanh như mới đề cập ở trên.
Rổ VN30 chứng kiến nhịp trượt giá đồng loạt. Thống kê cho thấy 24/30 cổ phiếu của rổ này đóng cửa thấp hơn giá chốt phiên sáng, chỉ 3 mã có cải thiện. VN30-Index đóng cửa tăng 0,42% với 15 mã tăng/10 mã giảm.
Ngay cả nhóm blue-chips ngân hàng cũng không thoát khỏi sức ép, chỉ là trượt giá với biên độ nào. BID vẫn là trụ khỏe nhất, đóng cửa tăng 1,29% so với tham chiếu, nhưng từ mức tăng 2,69% lúc chốt phiên sáng, kết quả này vẫn khá tệ. SHB thậm chí đảo chiều sang phía giảm, đóng cửa dưới tham chiếu 0,42%. ACB, MBB, CTG, STB, TCB, TPB, VCB, VIB… đều bị ép giá trong buổi chiều.
Một trong những cổ phiếu bị đánh úp đột biến chiều nay là HVN. Cổ phiếu này chỉ được giao dịch buổi chiều nên áp lực bán ra là cực kỳ đột ngột. Nguyên nhân đơn giản là HVN đã tăng trưởng gần 170% trong vòng 3 tháng với khối lượng tích lũy rất lớn, trong khi thời gian để giao dịch lại ngắn. Chiều nay HVN mở cửa đã giảm 2,5% và 30 phút kế tiếp giảm 8,4%. Khoảng 30 phút cuối HVN bắt đầu xuống tới giá sàn và đóng cửa dư bán sàn hàng trăm ngàn đơn vị. Cổ phiếu này vốn hóa không phải là lớn, nhưng biên độ giảm quá mạng khiến VN-Index mất gần 1,3 điểm. Kết quả kinh doanh khả quản của HVN dù đến mức nào thì biên độ lợi nhuận tính bằng lần cũng là quá đủ. Hơn 10,55 triệu cổ phiếu được bán tháo hôm nay, thu về 336,5 tỷ đồng.
Ngoài HVN, khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều đã góp phần quét sạch mức tăng của VN-Index. GVR lao dốc riêng chiều nay tới 1,42% so với phiên sáng và đảo chiều thành giảm 0,78% so với tham chiếu. VIC cũng bất ngờ bốc hơi 1%, thành giảm 0,73% lúc đóng cửa. POW “bổ nhào” -2,93% thành giảm 1,97% so với tham chiếu. PLX, MSN cũng “đổi phe” với biên độ giảm trên 1% chiều nay.
Số cổ phiếu giảm quá 1% trong VN-Index chiều nay gấp gần 3 lần so với phiên sáng, tập trung 30% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Thanh khoản hàng trăm tỷ đồng xuất hiện ở GEX, HVN, NVL, VND, POW, HSG, PDR…
Tuy vậy sự phân hóa vẫn còn: 73 mã đóng cửa tăng hơn 1% là con số chỉ kém phiên sáng một chút. 11 mã kịch trần buổi sáng vẫn ổn như DCL, IMP, DBD, HTG, DHG, JVC… Nhóm ngân hàng tụt giá nhiều nhưng vẫn còn khỏe với MBB, VPB, CTG, BID, HDB thanh khoản cao. CII, SBT, BCM, SIP cũng khớp cả trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền xoay vòng mua chỗ này, chốt lời chỗ khác khiến mức độ phân hóa rất gay gắt.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều bất ngờ quay lại mua ròng khoảng 100 tỷ đồng nhờ tăng mạnh 80% giá trị mua vào so với phiên sáng. NLG được mua tăng cường, tổng giá trị ròng cả phiên đạt 81,6 tỷ đồng. FPT cũng bất ngờ với +61,3 tỷ. Ngoài ra TPB, GMD, HPG, HDB, SIP, GVR, VCB cũng được mua trong khoảng 20-30 tỷ đồng ròng. Bên bán có MWG -148 tỷ, MSN -81,6 tỷ, TCB -69,7 tỷ, VND -51,3 tỷ, NVL -45,1 tỷ, VPB -35,9 tỷ, VNM -35,3 tỷ, HSG -30 tỷ.