Lập báo cáo đề xuất đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương lên 8 làn xe
Ban quản lý Dự án 7 vừa được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe, với thời gian thực hiện 2023 – 2025...
Ban quản lý Dự án 7 có trách nhiệm làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây.
Đồng thời tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Mỹ Thuận có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban quản lý Dự án 7 để triển khai thực hiện. Kinh phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm.
Tháng 11/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM đề xuất nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, dự kiến khởi công năm 2025. Đồng thời, mở rộng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch...
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 1 được đưa vào khai thác từ đầu năm 2010 với 4 làn xe cơ giới và 2 làn khẩn cấp. Sau khi dự án dừng thu phí theo quy định vào đầu năm 2019, lưu lượng xe cộ trên tuyến tăng đột biến. Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe… diễn ra thường xuyên.
Việc sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vì vậy theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM là cần thiết và cấp bách. Khi được mở rộng sẽ góp phần hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác các cao tốc, vành đai đang triển khai.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đi qua địa phận TP.HCM và hai tỉnh Long An và Tiền Giang, có tổng chiều dài 61,9 km (gồm cả đường dẫn hai đầu), trong đó tuyến chính cao tốc dài 50 km. Đoạn đi qua Long An chiếm khoảng 72% tổng độ dài. Giai đoạn 1 dự án được xây dựng bằng ngân sách nhà nước.
Về mặt bằng để mở rộng, do dự án khi triển khai xây dựng giai đoạn 1 đã chuẩn bị sẵn trước nên công tác giải phóng mặt bằng không phải lo. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng chỉ cần nguồn vốn. Song, do các địa phương chưa thu xếp được nguồn vốn, nhất là tỉnh Long An nơi chiếm đến 72% chiều dài dự án đi qua, ngân sách của tỉnh cũng đang gặp khó khăn.
Dựa trên các phân tích ưu nhược điểm của các phương án, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách trung ương để triển khai giai đoạn 2 của dự án. Đồng thời TP.HCM cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quản chủ chỉ, báo cáo với Thủ tướng.
Về tiến độ dự án giai đoạn 2, dự kiến tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024. Đề xuất khởi công năm 2025, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trước đó, tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô quy hoạch. Về phương thức đầu tư, Bộ này đề nghị các phương án gồm đầu tư công, hợp tác đối tác công tư PPP…