Liên kết tạo trục phát triển du lịch TP.HCM – đồng bằng sông Cửu Long
Ngay tại thời điểm mở cửa đón khách quốc tế trở lại, TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng cùng nhau liên kết, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng để đón du khách...
Việc tái khởi động ngành du lịch, trên thực tế đang đối diện với rất nhiều khó khăn, do dịch bệnh đã để lại hậu quả nặng nề. Chưa hết, vấn đề hậu Covid-19 cũng đang là những thách thức trước mắt cho ngành du lịch, không chỉ riêng đối với TP.HCM mà cả với các địa phương thành viên chuỗi liên kết.
KHÓ KHĂN “BỦA VÂY” NGÀNH DU LỊCH
Tại hội nghị Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 về du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa diễn ra tại Bạc Liêu hôm 18/3, các đại biểu đã thống nhất đưa ra nhận định như trên.
Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tổng khách du lịch đến TP.HCM trong năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%; trong đó, khách quốc tế đến thành phố năm 2020 đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của quý 1), giảm 84,8% so cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so cùng kỳ.
Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Các số liệu tổng hợp cho thấy, khách du lịch của khu vực đạt 27,781 triệu lượt, giảm 41,28% so với kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26% so cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và các vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, mang lại những kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao, được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương, của Thành ủy, UBND TP.HCM.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Thị Thắng, trong bối cảnh mới (hậu Covid-19), ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động nhiều biện pháp nhằm tái khởi động. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. “Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP.HCM đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp Thành phố đã khảo sát trong năm 2020”, bà Thắng nói.
Riêng tại Bạc Liêu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh đã hai lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Mục tiêu là phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo bước đột phá nhằm phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
THỎA THUẬN LIÊN KẾT HỢP TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2025
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, hoạt động liên kết du lịch đã không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Một số địa phương đã triển khai các sản phẩm du lịch nhằm giữ chân du khách như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo. Hay như Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu thì khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối những điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Cty Vietravel) cho rằng, để TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có thể liên kết được tour/tuyến, cần thành lập tổ công tác chung để giải quyết các vấn đề, tháo gỡ khó khăn. Theo ông, “tại địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế,... Song song, địa phương cũng cần ban hành gói kích cầu về miễn giảm vé tại các điểm do nhà nước quản lý. Đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực sau dịch…”
Trong khi đó, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) cho rằng, tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai, nhưng một số điểm khảo sát đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.
Với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong khu vực vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ông Tài đề xuất cần liên kết xây dựng cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với Covid-19 để tạo sự thuận lợi an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực.
Mười bốn địa phương, gồm TP.HCM và các tỉnh, thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 đồng thời phát động chương trình “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.
Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển; bảo đảm hiệu quả thiết thực cho cộng đồng; trong đó doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hợp tác này. Công tác triển khai các nội dung theo kế hoạch bảo đảm các yêu cầu về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trong điều kiện mới, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp du lịch khắc phục các khó khăn, hạn chế và phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19.