Mỳ Quảng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Về nguồn gốc của món Mỳ Quảng, cho đến nay vẫn còn rất nhiều cách lý giải. Song nhận định có tính thuyết phục cao là nghề truyền thống chế biến Mỳ Quảng ra đời cùng với quá trình mở đất, lập làng của người Quảng Nam xưa; sớm nhất là sau mốc lịch sử vua Lê Thánh Tông mở cõi (năm 1471) và muộn nhất là thời kỳ các chúa Nguyễn trấn nhậm xứ Đàng Trong từ năm 1558...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa mỳ Quảng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Theo Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Nam đề nghị đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia, nghề chế biến Mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam phản ánh hành trình đi về phương Nam của cư dân Đại Việt trên vùng đất Quảng Nam xưa.
Năm 1471, cuộc Nam tiến của vị vua anh minh Lê Thánh Tông đã xác lập vững chắc công cuộc khai khẩn của người Việt tại xứ Quảng. Các thế hệ tiền nhân qua lao động cần cù, cải tạo, thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất mới, dần dần đã định hình nên bản sắc, cốt cách con người xứ Quảng. Một trong những biểu hiện rõ nét, sinh động của cốt cách ấy là đặc tính ẩm thực mà Mỳ Quảng là một minh chứng tiêu biểu.
Về nguồn gốc của món Mỳ Quảng, cho đến nay vẫn còn rất nhiều cách lý giải. Song nhận định có tính thuyết phục cao là nghề truyền thống chế biến Mỳ Quảng ra đời cùng với quá trình mở đất, lập làng của người Quảng Nam xưa; sớm nhất là sau mốc lịch sử vua Lê Thánh Tông mở cõi (năm 1471) và muộn nhất là thời kỳ các chúa Nguyễn trấn nhậm xứ Đàng Trong từ năm 1558.
Theo cách lý giải này, Mỳ Quảng là thành quả sáng tạo của các thế hệ cư dân xứ Quảng dựa trên sản vật của từng địa phương, đồng thời giao lưu tiếp biến với tinh hoa ẩm thực các vùng miền và quốc tế… nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Mỳ Quảng là hồi quang sinh động, rõ nét của lưu dân xứ Quảng thời mở cõi.
Nghề truyền thống chế biến Mỳ Quảng cũng phản ánh quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trên vùng đất Quảng Nam. Lịch sử ra đời nghề chế biến Mỳ Quảng gắn với bối cảnh lịch sử của các thế hệ cha ông từ phía Bắc vượt đèo Hải Vân vào phương Nam khai phá vùng đất mới.
Quy trình chế biến món ăn Mỳ Quảng cần được chuẩn bị với nhiều công đoạn từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng mỳ cho đến khâu chế biến món nhưn (nước nhân) và đồng thời chuẩn bị các món ăn kèm như rau sống, nước mắm, đậu phụng rang, bánh tráng nướng, ớt, dấm hoặc chanh…
Để món ăn Mỳ Quảng thật sự ngon, hương vị đậm đà hợp khẩu vị người dùng, cần vận dụng các tri thức dân gian (nghề thủ công truyền thống) trong cách chế biến kết hợp với sự sáng tạo tinh tế của các nghệ nhân.
Nghề chế biến Mỳ Quảng tồn tại ở nhiều địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam, song chủ yếu tập trung ở các địa phương: Làng La Tháp (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên), làng Phú Chiêm (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn), Làng Yên Phổ (Tam Anh Nam, huyện Núi Thành), Khối phố Đông Xuân, phường Trường Xuân (thành phố Tam Kỳ), khối phố Thanh Hà, phường Thanh Hà (thành phố Hội An).
Theo lịch sử, trong suốt thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Hội An trở thành thương cảng phồn thịnh, thu hút tàu buôn các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Xiêm, Cao Miên… và đông nhất là thương thuyền của các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hội An lúc đó thực sự là một “đặc khu kinh tế”, giúp nước ta hội nhập vào nền thương mại toàn cầu. Sản xuất của xứ Đàng Trong phát triển mạnh mẽ, nhất là ngành tơ tằm, mía đường, gốm, khai thác lâm thổ sản…. để phục vụ xuất khẩu.
Trong vai trò ấy, sự giao thương mạnh mẽ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á và phương Tây, Mỳ Quảng cũng là món ẩm thực dung hợp các món ẩm thực châu Á, châu Âu trong bối cảnh giao lưu văn hóa.Và cho đến nay, nghề chế biến Mỳ Quảng đã khẳng định giá trị ẩm thực của xứ Quảng trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Thực tế đã chứng minh mỳ Quảng, từ món ăn dân dã đã nâng cấp thăng hoa lên thành ẩm thực thượng hạng, riêng có, đã từng xuất hiện tại các Festival lớn, phục vụ sự kiện APEC diễn ra tại miền Trung trong các năm 2006 và 2017; phục vụ các chính khách quốc tế đến với Việt Nam... và mỳ Quảng đều nhận được những lời khen ngợi. Không những thế món mỳ Quảng còn vượt đại dương giao lưu với ẩm thực các nước, bà con Việt kiều gốc Quảng Nam trên khắp thế giới.
Đối với người Quảng, thích ăn ngon nhưng phải no, tức là cái đẹp gắn liền với thiết thực nghĩa là “Mỳ Quảng ngon một cách mạnh mẽ, thô nhám, xồm xoàm, nhiều và no”. Không những vậy, Mỳ Quảng cũng đã đi vào đời sống văn hóa, nghệ thuật dân gian, như ca dao, thơ, văn, hò vè… với những câu ca dao, thơ ca nổi tiếng: “Thương nhau múc chén chè xanh/Làm tô Mỳ Quảng cho anh ăn cùng”…
Vào những dịp lễ hội lớn, người dân xứ Quảng thường tổ chức Ngày hội Mỳ Quảng - một hoạt động rất có ý nghĩa thiết thực, tổ chức đa dạng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực dân gian liên quan đến Mỳ Quảng. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, làng nghề Mỳ Quảng. Bên cạnh đó, Ngày hội Mỳ Quảng còn nhằm tăng cường giao lưu giữa các địa phương, nghệ nhân nấu Mỳ Quảng ở các miền quê khác trên vùng đất xứ Quảng, tiếp tục phát huy và góp phần lan tỏa Mỳ Quảng đến với du khách và vươn ra khắp bốn phương.