Na Uy tài trợ 1,3 triệu USD cho dự án quản lý và xử lý rác thải ở Việt Nam
Dự án này thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự hợp tác sâu rộng giữa Na Uy và UNDP nhằm giải quyết vấn đề nóng về quản lý chất thải ở Việt Nam và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn toàn diện...
Đại sứ quán Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa ký thoả thuận hợp tác “Nhân rộng các mô hình quản lý rác thải tổng hợp và toàn diện thông qua việc trao quyền cho người lao động khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.
Dự án có trị giá 1,3 triệu USD do Chính phủ Na Uy tài trợ, kéo dài trong ba năm, nhằm triển khai và thử nghiệm các giải pháp, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động khu vực phi chính thức tham gia xử lý rác thải, một mô hình quản lý trong lĩnh vực thủy sản, và cách tiếp cận hệ sinh thái của chuỗi giá trị thông qua việc thành lập Cơ sở Tái chế Vật liệu, thí điểm tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
BÁO ĐỘNG Ô NHIỄM DO RÁC THẢI
Theo báo cáo nghiên cứu của Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ lệ rác thải đô thị trung bình hàng năm ở Việt Nam tăng từ 21 triệu tấn lên khoảng 35 triệu tấn. Dự báo tỷ lệ rác thải đô thị của Việt Nam sẽ tăng lên 52 triệu tấn vào năm 2025, tức là sẽ tăng gấp 2,5 lần trong vòng một thập kỷ.
Hiện khoảng 70% chất thải tai Việt Nam được xử lý tại các bãi chôn lấp, 30% còn lại bị đốt hoặc vứt bất hợp pháp. Ở khu vực thành thị, hơn 85% chất thải được thu gom, nhưng ở khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom rác thải chỉ còn xấp xỉ một nửa tỷ lệ ở thành thị, dao động từ 40% đến 45%.
Đặc biệt, rác thải nhựa chiếm từ 10% đến 12% tổng lượng chất thải rắn phát sinh ở Việt Nam, lên tới khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Khu vực phi chính thức đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, vì ước tính hơn 30% lượng chất thải được thu gom thông qua kênh này.
Phần lớn người lao động làm về thu gom rác thải trong khu vực phi chính thức là phụ nữ. Họ mua hoặc thu gom rác từ các hộ gia đình để bán lại cho các cơ sở tái chế để cung cấp cho các làng nghề. Khoảng 10.000 đến 16.000 người thu mua phế liệu đang làm việc mỗi ngày tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
XỬ LÝ RÁC THẢI THEO MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, Dự án vừa ký kết với UNDP với số tiền 1,3 triệu USD do Chính phủ Na Uy tài trợ. Dự án này thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự hợp tác sâu rộng giữa Na Uy và UNDP nhằm giải quyết vấn đề nóng về quản lý chất thải ở Việt Nam và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn toàn diện.
Đây là sự tiếp nối thành công của một dự án cũng do Na Uy tài trợ, mang tên “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 05 thành phố”, nhằm xây dựng các mô hình tích hợp, mô hình xanh để xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại năm địa phương ở Việt Nam (Quảng Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng).
"Chúng tôi rất vui vì Giai đoạn 1 của Dự án đã thành công và Dự án được tiếp tục mở rộng. Thật tuyệt vời khi sẽ có thêm các cộng đồng địa phương mới đặc biệt là chị em phụ nữ được tham gia vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh phục hồi xanh sau Đại dịch Covid-19. Na Uy tự hào vì mối quan hệ đối tác với UNDP Việt Nam và với Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, phục hồi xanh hơn và không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Grete Lochen nói.
Dự án kéo dài ba năm này, hay còn gọi là ‘dự án Giai đoạn 2’, đáp ứng nhu cầu nhân rộng và nâng cấp các trung tâm thu gom và tái chế rác thải để phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường và xã hội; đồng thời gắn kết người lao động khu vực phi chính thức thu gom và phân loại rác thải. Dự án sẽ giúp tạo một môi trường thuận lợi, giúp các chính quyền địa phương và doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, qua đó nâng cao năng lực quản lý rác thải cho cộng đồng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ giai đoạn mới của dự án sẽ tăng cường chuỗi giá trị rác thải và nhựa ở Quy Nhơn, thông qua việc xây dựng Cơ sở Tái chế Vật liệu, mô hình quản lý rác thải trong ngành thuỷ sản, và thí điểm một số giải pháp để thúc đẩy sinh kế và tăng cường sự tham gia của người lao động làm về rác thải, đặc biệt là lao động nữ.
Trên cơ sở thành lập Nền tảng kết nối các bên trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục gắn kết các bên liên quan, tổng hợp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy trao đổi và tăng cường quan hệ đối tác, theo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý Rác thải nhựa đại dương.
"Bằng cách tập hợp các mô hình quản lý chất thải bền vững và toàn diện, các sáng kiến và tư vấn chính sách, Dự án sẽ đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), như ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa trên biển; tăng thu nhập và cơ hội phát triển sinh kế của lao động nữ; thúc đẩy thu gom và tái sử dụng các vật liệu có thể tái chế, đóng góp vào SDG 12 – Tiêu thụ và Sản xuất có Trách nhiệm", bà Caitlin Wiesen tin tưởng.