Nâng trần vốn góp Nhà nước lên 70%, kích hoạt vốn tư nhân đổ vào dự án PPP giao thông
Thảo luận tại tổ chiều 27/10, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án giao thông đường bộ theo hình thức PPP lên tối đa 70% là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân. Trong đó, những dự án ở vùng miền núi khó khăn, chi phi đầu tư cao cần được ưu tiên bố trí vốn...
Tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Thảo luận tại tổ, liên quan đến việc Chính phủ trình Chính phủ nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo PPP lên 70% trong dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, khẳng định đây là điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
HAI ĐIỀU KIỆN ĐỂ DỰ ÁN PPP TRIỂN KHAI SUÔN SẺ
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để giải quyết triệt để các vấn đề đầu tư dự án giao thông theo hình thức PPP, Chính phủ và riêng Bộ Giao thông có mong muốn lớn hơn, đó là phải sửa Luật PPP nhưng nếu chờ sửa luật sẽ mất thời gian. Trong khi đó, lúc này, chúng ta đang rất cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để tác động vào kinh tế, liên kết vùng.
Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng cho biết có hai điều kiện quan trọng để thực hiện các dự án PPP. Một, không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Nhà nước có thể tham gia bao nhiêu phần trăm cũng được, có thể lên đến 80% nhưng với các dự án hiệu quả cao thì Nhà nước chỉ cần 20 - 30%, rất linh hoạt.
Thứ hai, tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Nhà đầu tư khi cân nhắc tham gia dự án PPP với các dự án giao thông, có hai vấn đề quan trọng, đó là hiệu quả dự án và tiến độ bàn giao mặt bằng. Khi tư nhân tham gia vào dự án PPP, 100% mặt bằng đã có sẵn.
Dù vậy, theo Bộ trưởng, việc nâng 70% vốn Nhà nước là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP tốt hơn so với mức vốn hiện nay là 50%, điều này được kỳ vọng có thể giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tốt hơn.
Thảo luận tại Tổ 1, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần có nghị quyết đặc thù với các dự án đầu tư công để đẩy nhanh việc giải quyết về hạ tầng giao thông, tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đồng tình về việc tất cả dự án PPP phải tách riêng về giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ mà đã giao cho các địa phương thực hiện thì sẽ quản lý và chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Điều này nhằm hạn chế cơ chế xin -cho nếu có vấn đề phát sinh.
Trước những ý kiến băn khoăn địa phương hay Bộ Giao thông vận tải sẽ thu phí với các dự án quốc lộ, đường cao tốc giao địa phương đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nêu kinh nghiệm của Quảng Ninh và cho biết, việc theo dõi bảo trì bảo dưỡng rất quan trọng, với chi phí rất lớn. Nếu để địa phương thực hiện thì nhiều địa phương không đủ khả năng tài chính để duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc.
Do đó, "với một số tuyến đường có sự tham gia của cả ngân sách trung ương và địa phương, sau này Quốc hội cho cơ chế thu phí thì sẽ thu chung và chia sẻ tỷ lệ, do đó không có vấn đề", Bộ trưởng nhìn nhận.
ƯU TIÊN NÂNG VỐN NGÂN SÁCH VỚI DỰ ÁN VÙNG MIỀN NÚI KHÓ KHĂN
Đồng tình với dự thảo Nghị quyết nhưng theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Nghị quyết giải quyết được các vấn đề vướng mắc do chính các quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế, nhưng chỉ giới hạn cho một số dự án mà chưa xét hết các dự án đang cần tháo gỡ các vướng mắc bởi chính các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế này.
Quốc hội không thể giải quyết riêng lẻ từng dự án nên cần có sự điều chỉnh phạm vi để Chính phủ có thể giải quyết các vướng mắc. Do đó, tại khoản 4 Điều 3 quy định: “Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này” thì nên điều chỉnh thành: “Các dự án đề xuất do Chính phủ quyết định dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết này".
Ngoài ra, tại Khoản 1 các Điều 4, 5, 6, 7; Khoản 2 Điều 8 cần bỏ nội dung quy định cục bộ cho một số dự án do còn nhiều dự án nằm ngoài danh mục nhưng không được đưa vào Nghị quyết. Ví dụ Khoản 1 Điều 4 quy định về tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP.
Về vướng mắc khi triển khai dự án PPP, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng thời gian qua, Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã ban hành nhưng ít dự án PPP được triển khai, không hấp dẫn nhà đầu tư do giới hạn vốn ngân sách nhà nước tối đa 50%.
Bất cập ở chỗ các dự án ở vùng miền núi khó khăn, chi phi đầu tư cao, lưu lượng thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài 20 - 30 năm, việc đầu tư những dự án này theo hình thức PPP là rất đáng hoan nghênh để giảm áp lực cho vốn ngân sách nhà nước, thế nhưng, các ngân hàng chỉ cấp tín dụng với thời gian trả nợ là 15 năm. Vì vậy, cần tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia để đảm bảo điều kiện này.
Thực tế, với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có các dự án có vốn ngân sách nhà nước 55 - 65% mới lựa chọn được nhà đầu tư.
Do đó, "cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước tối đa 70% cho các dự án ở vùng miền núi khó khăn, chi phi đầu tư cao, lưu lượng hiện tại thấp, kém hấp dẫn nhà đầu tư nhưng rất cần cao tốc để đột phá phát triển. Ví dụ như các tỉnh Đông Bắc Bộ là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng", ông Lộc nhấn mạnh.