Ngăn gà thải nhập lậu, cơ quan hải quan buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ lô hàng không đủ điều kiện
Theo đề nghị của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm, ngành hải quan buộc tái xuất, tịch thu hoặc tiêu hủy đối với lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm không đủ điều kiện nhập khẩu...
Tổng cục Hải quan cho biết, theo phản ánh của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam khá phổ biến và phức tạp, nhất là tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Do đó, nguy cơ các chủng vi rút cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài lây lan là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và kịp thời triển khai Công điện hỏa tốc số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm, lãnh đạo Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm công điện hỏa tốc này.
Theo đó, "cục hải quan các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cửa khẩu", Tổng cục Hải quan yêu cầu.
"Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cần tập trung kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do cơ quan thú y cấp cho lô hàng nhập khẩu; kiên quyết không cho nhập khẩu, buộc tái xuất, tịch thu hoặc tiêu hủy đối với lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh/
Cùng với đó, cục hải quan các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, nhất là những nơi có đường mòn, lối mở, sông suối, địa bàn thuận lợi cho việc tập kết việc vận chuyển gia súc, gia cầm.
"Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm soát đối với phương tiện xuất nhập cảnh như: sà lan, ghe, tàu, thuyền, phương tiện chở khách, chở container rỗng; phương tiện của cư dân biên giới…, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm", Tổng cục Hải quan lưu ý.
Đồng thời, cục hải quan các tỉnh, thành phố cần phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng như: biên phòng, quản lý thị trường, giao thông vận tải, công an, thú y trong việc tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới, người dân xuất nhập cảnh về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Công điện hỏa tốc số 426/CĐ-TTg được Thủ tướng ký ban hành ngay sau khi Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam phản ánh tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống lấy trứng thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.
Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam; đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt là gà đẻ trứng loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người trong khi ở các nước xuất khẩu không bao giờ sử dụng những sản phẩm này làm thực phẩm tiêu dùng cho con người.
Nếu tình trạng này không được kiểm soát, không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang đối diện với khó khăn chưa từng có và đối mặt với nguy cơ phá sản do hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.
Do đó, hiệp hội này kiến nghị loạt giải pháp nhằm cứu ngành chăn nuôi gia cầm trong nước bao gồm: kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất; xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi...