Ngân hàng có phải chịu trách nhiệm khi kho hàng nhận thế chấp bị “rút ruột”?
Thế chấp hàng hóa tồn kho là một trong những biện pháp đảm bảo trong hợp đồng tín dụng. Khi đó xuất hiện mối quan hệ ba bên là ngân hàng – khách hàng (doanh nghiệp) – chủ kho hàng. Vậy xảy ra tình huống kho hàng bị “rút ruột” thì liệu ngân hàng sẽ hoàn toàn vô can?
Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định giám đốc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty M. và một ngân hàng thương mại lớn.
DOANH NGHIỆP "KIỆN NGƯỢC" NGÂN HÀNG ĐÒI BỒI THƯỜNG
Hồ sơ thể hiện, ngày 15/11/2012, Công ty M. có ký hợp đồng vay vốn ngân hàng 180 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là cà phê, gửi tại kho hàng Công ty L. Để thực hiện việc gửi giữ hàng tồn kho, ngày 20/3/2013, các bên đã ký hợp đồng thuê kho. Theo thỏa thuận, nếu hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, hoặc xác nhận không đúng số lượng thì Công ty L. phải bồi thường cho ngân hàng.
Đặc biệt, hợp đồng quy định rõ ngân hàng chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và thẩm định hàng hóa gửi kho.
Khi có khách hàng mua hàng và đáp ứng đủ điều kiện thanh toán, ngân hàng sẽ chuyển giao hàng cho Công ty M. bằng lệnh xuất kho để chuyển cho khách hàng.
Quá trình thực hiện hợp đồng xảy ra việc thất thoát hơn 2.008,3 tấn cà phê, trị giá hơn 81,3 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương xác định, ông Lê Hồng H. – giám đốc Công ty L. có hành vi chiếm đoạt số cà phê trên. Khi giải quyết vụ án, ông H. đã chết vì tai nạn giao thông. Ngày 8/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, các bên phải giải quyết bằng vụ án dân sự.
Công ty M. đã khởi kiện ra tòa án, đề nghị ngân hàng phải hoàn trả hơn 81,3 tỷ đồng, tương đương với giá trị số lượng cà phê bị mất. Khoản tiền này được đối trừ vào dư nợ gốc của công ty tại ngân hàng.
Theo Công ty M., ngân hàng là bên duy nhất có quyền phát lệnh xuất kho nên ngân hàng có toàn quyền đối với hàng nhập kho, xuất kho. Ngân hàng không thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và hợp đồng thuê kho dẫn đến hàng hóa bị mất.
Ngân hàng có đơn phản tố với lý do Công ty M. vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tính đến ngày 6/4/2022, Công ty M. còn nợ gốc và lãi là hơn 213,7 tỷ đồng. Vì vậy, ngân hàng đề nghị tòa án buộc Công ty M. phải thanh toán khoản nợ. Ngoài tài sản thế chấp là hàng tồn kho cà phê, Công ty M. còn thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba. Trường hợp Công ty M. thanh toán không đầy đủ, ngân hàng có quyền phát mại tài sản trên.
Vụ án này được đưa ra xét xử vào năm 2022. Khi đó, phán quyết của tòa sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận đề nghị của ngân hàng và không chấp nhận với đơn khởi kiện của Công ty M. Sau đó, vụ án bị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị.
NGÂN HÀNG CŨNG CÓ PHẦN LỖI
Theo tòa án, hợp đồng thuê kho thể hiện lượng hàng hóa tồn kho cuối cùng thuộc quyền “sở hữu của ngân hàng”. Điều 158 Bộ luật Dân sự quy định, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu là ngân hàng.
Trong trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, ngân hàng là bên duy nhất được quyền phát lệnh xuất kho và được nhận tiền bồi thường thiệt hại từ công ty gửi giữ hoặc nhận tiền bảo hiểm.
Đặc biệt, hợp đồng thuê kho có quy định về việc công ty L. phải ký quỹ để bảo đảm nghĩa vụ trong thời gian hàng hóa được gửi ở đây. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, ngân hàng không buộc công ty này ký quỹ. Ngân hàng lập luận là do tin tưởng công ty.
Tòa án xác định việc không buộc Công ty L. ký quỹ đã gây hậu quả là không thu hồi được hàng hóa bị thiếu hụt nên đây là trách nhiệm của ngân hàng.
Ngoài ra, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, để che dấu hành vi chiếm đoạt, khi khách hàng có yêu cầu xuất hàng, ông Lê Hồng H. đã lấy hàng của khách hàng gửi sau để bán cho khách hàng gửi trước, lấy hàng của khách hàng này bán bù cho khách hàng khác. Đối với hàng phế phẩm thì ông H. chỉ đạo nhân viên đóng bao và sắp xếp theo từng cây hàng để khách hàng đến kiểm tra sẽ không phát hiện ra hàng bị thiếu.
Ngân hàng có cử người kiểm tra hàng hóa trong kho từ ngày 11/5/2013 và ngày 12/7/2013 nhưng không phát hiện ra hàng hóa bị thiết hụt. Tòa án xác định, việc này có một phần trách nhiệm của ngân hàng.
Để giải quyết triệt để vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại, theo hướng làm rõ trách nhiệm của ngân hàng khi tham gia ký kết hợp đồng thuê kho.
Thực tế tố tụng ghi nhận nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp “vượt mặt” ngân hàng để chiếm đoạt hàng hóa tồn kho bằng các hồ sơ khống. Có vụ việc, cơ quan điều tra xác định cán bộ ngân hàng có xảy ra sai sót do thiếu trách nhiệm. Song có nhiều vụ việc cho thấy, cán bộ ngân hàng không phát hiện được các thủ đoạn “rút ruột” hàng hóa tinh vi của các đối tượng như “phù phép” hàng giả vào hàng thật.
Nhận thế chấp bằng hàng hóa tồn kho có rủi ro cao nên ngân hàng cần thiết phải nâng cao kiểm tra, phương thức giao nhận và đánh dấu hàng hóa thế chấp trước khi giải ngân.