Ngân hàng Thuỵ Sỹ bi quan về triển vọng giá vàng năm nay
“Trong một môi trường mà lãi suất tăng lên và Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, giá vàng sẽ không gặp thuận lợi"...
Vàng đã tăng giá mạnh trong mấy tuần gần đây, vượt mốc 1.900 USD/oz và có lúc đạt đỉnh của gần 9 tháng, khi nhà đầu tư gom mạnh kim loại quý để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Tuy nhiên, chuyên gia Joni Teves của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS cho rằng sức mạnh này của giá vàng sẽ không duy trì được lâu.
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế hiện đang dao động quanh mốc 1.900 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 6/2021, so với mức khoảng 1.800 USD/oz hồi đầu tháng 2 này. Việc giá vàng nhảy 100 USD/oz, tương đương tăng 5,6%, trong vòng chưa đầy một tháng được xem không có gì khó hiểu, bởi vàng luôn phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn mỗi khi thị trường tài chính toàn cầu có bất ổn.
Tuy nhiên, khi đánh giá về triển vọng giá vàng, bà Teves nói giá vàng sẽ khó tăng cao hơn vì thị trường sẽ sớm bị chi phối trở lại bởi các yếu tố vĩ mô như lãi suất thực, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng tăng trưởng kinh tế. UBS dự báo giá vàng sẽ giảm về ngưỡng 1.600 USD/oz vào cuối năm nay.
“Trong một môi trường mà lãi suất tăng lên và Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, giá vàng sẽ không gặp thuận lợi. Chúng tôi thực sự cho rằng sức mạnh tăng giá mà vàng đang có sẽ không duy trì được lâu”, bà Teves nhận định.
Theo dự báo, Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3 tới để ứng phó với áp lực lạm phát ngày càng lớn. Theo bà Teves, một động thái nâng lãi suất của Fed sẽ gây sức ép giảm giá lên vàng.
Kỳ vọng lãi suất tăng đã đẩy cao lợi suất của những tài sản như trái phiếu kho bạc Mỹ, theo đó có thể làm suy giảm sức hấp dẫn của những tài sản không mang lãi suất như vàng.
Dù vậy, bà Teves cho rằng ở thời điểm hiện tại, cơ hội tăng của giá vàng vẫn còn. “Lãi suất tăng lên, nhưng lãi suất thực có thể vẫn âm. Bởi thế, việc phân bổ thêm vốn vào vàng vẫn hấp dẫn”, vị chiến lược gia nhận định. Ngoài ra, việc Fed nâng lãi suất có thể ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư muốn gia tăng tỷ trọng nắm giữ vàng trong danh mục để phòng ngừa rủi ro liên quan đến kinh tế.
Nhiều chuyên gia khác cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn, nhất là khi căng thẳng giữa Nga với Ukraine còn chưa dịu đi.
“Nhà đầu tư đang tìm kiếm một sự phòng hộ trước rủi ro địa chính trị. Giá vàng đang đứng trước cơ hội bứt phá”, chiến lược gia Matt Miskin thuộc John Hancock Investment Management phát biểu trên tờ Wall Street Journal.
Theo ông Miskin, căng thẳng tiếp diễn có thể đưa giá vàng vượt kỷ lục 2.051,5 USD/oz thiết lập hồi tháng 8/2020 sau vài tháng nữa.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Bank of America khuyến nghị nhà đầu tư xem xét mua thêm vàng nếu giá vàng bứt phá khỏi vùng 1.860-1.880 USD/oz. Báo cáo này cũng dự báo giá vàng sẽ lập thêm đỉnh mới.