Ngành bán dẫn Việt Nam "khát" nhân lực chất lượng cao: Góc nhìn từ doanh nghiệp
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, một "khoảng cách" đáng kể giữa lý thuyết đào tạo và yêu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp đang là thách thức lớn…

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với nhu cầu nhân lực tăng cao do sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Renesas, Marvell….
MỨC TĂNG NHÂN SỰ TRONG NGÀNH THIẾT KẾ VI MẠCH DAO ĐỘNG TỪ 10% ĐẾN 15% MỖI NĂM
Chia sẻ về thực trạng và nhu cầu nhân lực từ chính doanh nghiệp của mình, ông Lê Hải Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dolphin Technology Việt Nam, cho biết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng, công ty Dolphin đặc biệt cần nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học.
“Nhìn vào biểu đồ phát triển nhân sự của Dolphin Technology tại Việt Nam, có thể thấy tốc độ tăng trưởng nhân sự rất ấn tượng. Từ năm 2010 với chỉ khoảng 10 kỹ sư, đến năm 2025, quy mô nhân sự của công ty đã đạt 200 kỹ sư”, ông Lê Hải Anh cho biết.
Theo ông, đội ngũ kỹ sư Dolphin hiện nay có kinh nghiệm dưới 5 năm chiếm khoảng 60%, bên cạnh đó cũng có một số kỹ sư có thâm niên đến 15 năm. Ngoài ra, một số công ty ở Hà Nội cũng có những kỹ sư với kinh nghiệm lên tới 20 năm. Lãnh đạo Dolphin cho biết tốc độ tăng trưởng nhân sự của Dolphin duy trì ở mức khoảng 20% mỗi năm – một con số khá cao so với mức trung bình của thị trường.
“Theo quan sát cá nhân, mức tăng trưởng nhân sự trong ngành thiết kế vi mạch tại cả miền Bắc và miền Nam hiện dao động từ 10% đến 15% mỗi năm”, ông Lê Hải Anh nói. Việt Nam đặt mục tiêu đạt 50.000 kỹ sư và cử nhân bán dẫn vào năm 2030, và sẽ lên 100.000 vào năm 2050.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 60 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, với tổng số kỹ sư ước tính khoảng 6.000 người. Con số này cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng cũng đặt ra bài toán cấp thiết về việc đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là các nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm.
THÁCH THỨC KỸ NĂNG THỰC CHIẾN
Theo ông Lê Hải Anh, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Dolphin Technology đang tìm kiếm nhân sự cho hàng loạt vị trí chuyên sâu như kỹ sư thiết kế layout, kỹ sư thiết kế số, kỹ sư kiểm thử thiết kế số, kỹ sư kiểm thử đặc tính, kỹ sư đảm bảo chất lượng và kỹ sư thiết kế mạch (schematic).
Đặc biệt, ông Hải Anh chỉ ra một nhu cầu ít người biết đến nhưng lại rất quan trọng: kỹ sư phát triển các công cụ nội bộ. Ông giải thích: “Bên cạnh việc sử dụng các công cụ tiêu chuẩn từ những hãng lớn, hầu hết các công ty thiết kế vi mạch đều tự phát triển các công cụ 'cây nhà lá vườn' để tự động hóa và tối ưu hóa quy trình làm việc. Vì vậy, chúng tôi rất cần các kỹ sư có nền tảng công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông để tham gia vào mảng công việc này”.

“Bên cạnh việc sử dụng các công cụ tiêu chuẩn từ những hãng lớn, hầu hết các công ty thiết kế vi mạch đều tự phát triển các công cụ 'cây nhà lá vườn' để tự động hóa và tối ưu hóa quy trình làm việc. Vì vậy, chúng tôi rất cần các kỹ sư có nền tảng công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông để tham gia vào mảng công việc này.
Thực tế này làm nổi bật một thách thức cốt lõi: khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm tại các trường đại học và kỹ năng thực tiễn tại doanh nghiệp. Sinh viên Việt Nam có nền tảng lý thuyết được đào tạo tương đối tốt, đây là một lợi thế.
Tuy nhiên, những khóa học thực chiến, kiến thức thực tế là vô cùng cần thiết để thu hẹp khoảng cách và giúp các bạn sẵn sàng tham gia ngay vào công việc, dự án".
Thực tế này cũng làm nổi bật một thách thức cốt lõi: khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm tại các trường đại học và kỹ năng thực tiễn tại doanh nghiệp. "Sinh viên Việt Nam có nền tảng lý thuyết được đào tạo tương đối tốt, đây là một lợi thế. Tuy nhiên, những khóa học thực chiến, kiến thức thực tế là vô cùng cần thiết để thu hẹp khoảng cách và giúp các bạn sẵn sàng tham gia ngay vào công việc, dự án”, ông Hải Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hải Anh cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều khóa học chuyên sâu về các công cụ thiết kế phổ biến trong ngành ví dụ như Calibre và Tessent, vốn đang được Dolphin Technology sử dụng nhiều nhưng lại chưa được đào tạo rộng rãi. “Hiện nay trên thị trường, cả các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo đều chưa có các khóa học cung cấp kiến thức chuyên sâu về nhiều công cụ thiết kế”, ông Lê Hải Anh cho biết.
Theo thông tin được ông Lê Hải Anh chia sẻ, hàng năm, Dolphin Technology dự kiến tuyển dụng từ 20 đến 40 kỹ sư mới, đồng thời liên tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các phòng thí nghiệm và trường đại học.
Chuyên gia cho biết để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thực sự cất cánh, việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu không chỉ là nhu cầu, mà là yếu tố sống còn.
Theo Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn Việt Nam được dự báo đạt 18,23 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 31,39 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48% trong giai đoạn 2024-2029. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng, công nghệ 5G, IoT.