Ngành dược phẩm sẽ chi cho AI 3 tỷ USD vào năm 2025
Ngành công nghiệp dược phẩm đang ngày càng dựa vào trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy nỗ lực khám phá và phát triển thuốc, đồng thời chi tiêu của họ trong lĩnh vực này đã tạo ra một thị trường trị giá hàng tỷ USD cho công nghệ AI…
Đó là kết luận trong báo cáo về ngành dược phẩm của GlobalData, trong đó lưu ý rằng AI đang được sử dụng để tăng cường thiết kế thuốc nhằm giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc đưa loại thuốc mới ra thị trường. Theo nhà phân tích Kitty Whitney của GlobalData, khoản chi tiêu đó sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2025, với một lượng lớn các công ty khởi nghiệp được hình thành trong 3 đến 4 năm qua để thâm nhập vào thị trường AI mới nổi.
Theo đài RFI, công ty khởi nghiệp của Pháp Iktos, thành lập vào năm 2016, hiện sử dụng AI để đối chiếu các khối dữ liệu y tế với một vận tốc bộ não con người không thể đạt được. Thậm chí, Iktos còn lập một nền tảng nghiên cứu chế tạo phân tử bằng AI cho các công ty dược phẩm sử dụng dưới hình thức thuê bao. Một trong những công ty đầu tiên sử dụng nền tảng mang tên Saas của Iktos là Kissei, một hãng dược phẩm lớn của Nhật. Nhờ nền tảng Saas, Kissei sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian trong tiến trình khám phá và phát triển các loại thuốc mới.
Trong khi đó, tập đoàn dược phẩm Sanofi cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng AI không chỉ trong khâu nghiên cứu mà cả trong khâu thương mại hóa. Trong bản thông cáo được công bố hồi tháng 6/2023, ông Paul Hudson, Tổng Giám đốc Sanofi, cho biết tham vọng của họ là trở thành tập đoàn dược phẩm đầu tiên sử dụng AI ở quy mô lớn, trang bị cho các nhân viên những công cụ và công nghệ giúp họ có những quyết định tốt nhất.
Theo ông Hudson, AI và khoa học dữ liệu đã trợ giúp rất nhiều cho Sanofi trong các lĩnh vực như: phát hiện các thuốc mới, cải thiện hiệu quả của các thử nghiệm lâm sàng, sản xuất và cung ứng thuốc và vaccine. “Chúng tôi sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong AI tạo sinh để tìm ra những mục tiêu phân tử, chế ra những phân tử mới hiện chưa có. Tiếp đến là dùng AI để mô phỏng tác dụng của thuốc trên con người, trước khi thử nghiệm thật sự trên con người”, ông Hudson nói.
Tháng 4/2023, Drugs for Neglected Diseases Initiative - tổ chức phi chính phủ của châu Âu, đã kết hợp với đối tác BenevolentAI - một công ty của Anh chuyên phát triển các phân tử mới nhờ vào công nghệ AI, khởi động dự án dùng trí tuệ nhân tạo để tìm thuốc trị bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, công ty công nghệ y tế Genetika+ của Israel, đã nghiên cứu việc kết hợp các công nghệ mới nhất về tế bào gốc với một ứng dụng AI để giúp xác định thuốc chống trầm cảm thích ứng tốt nhất với bệnh nhân, nhằm tránh các phản ứng phụ và để bảo đảm thuốc có tác dụng hiệu quả nhất có thể.
Tại châu Á, Công ty Insilico Medicine tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang sử dụng AI để đẩy nhanh việc phát triển các loại thuốc mới. Ông Alex Zhavoronkov, đồng sáng lập viên và hiện là tổng giám đốc công ty, giải thích: “Nền tảng trí tuệ nhân tạo của chúng tôi có thể xác định các loại thuốc có thể được tái sử dụng, bào chế các thuốc mới cho những mục tiêu phân tử đã được biết, hay tìm ra mục tiêu phân tử mới”.
Có thể nói, tiềm năng của AI trong việc khám phá ra các loại thuốc mới, với thời gian và chi phí thấp hơn so với các phương pháp truyền thống, đã thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư vào công nghệ này. Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn tài chính Boston Consulting Group, trong thập kỷ qua, các nhà đầu tư đã "bơm" hơn 18 tỉ USD vào khoảng 200 công ty công nghệ sinh học và doanh nghiệp khởi nghiệp "ưu tiên AI", vốn là những công ty mà công nghệ mới giữ vai trò trung tâm trong quy trình phát triển thuốc.
Chưa dừng lại ở đây, theo Pharma Phorum, khi thông tin về các loại thuốc được AI tìm thấy, sau đó phát triển và thử nghiệm trên người ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhiều tập đoàn dược phẩm lớn, gồm cả "những gã khổng lồ" ở Thụy Sỹ như Roche và Novartis, đang chạy đua để vượt lên dẫn trước các công ty cùng ngành.
Năm 2023, Roche đã công bố hợp tác nghiên cứu kéo dài nhiều năm với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ, một trong ít nhất tám thỏa thuận về AI mà công ty này đã ký kể từ năm 2019. Tương tự, đầu năm nay, tập đoàn Novartis đã đề nghị trả trước 37,5 triệu USD cho chi nhánh Isomorphic Labs của Google DeepMind và 1,2 tỉ USD khác trong giai đoạn tới, nếu công ty này đạt được những cột mốc nhất định trong việc phát triển ba loại thuốc mới.
Mới đây nhất, Google Deepmind đã tiết lộ phiên bản chính thứ ba của mô hình trí tuệ nhân tạo "AlphaFold", được thiết kế để giúp các nhà khoa học chế tạo ra các loại thuốc và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Với phiên bản mới nhất này, các nhà nghiên cứu tại DeepMind và công ty chị em Isomorphic Labs – đều do người đồng sáng lập Demis Hassabis giám sát – đã lập bản đồ hành vi cho tất cả các phân tử của sự sống, bao gồm cả DNA của con người. DeepMind cho biết những phát hiện này, được công bố trên tạp chí nghiên cứu Nature ngày 8/5, sẽ giảm thời gian và tiền bạc cần thiết để phát triển các phương pháp điều trị có khả năng thay đổi cuộc sống.
Như vậy phải chăng tương lai của ngành dược phẩm sẽ dần thay đổi. Trong một tương lai không xa, việc nghiên cứu những phân tử mới cho các loại thuốc mới đều sẽ do trí tuệ nhân tạo đảm trách? Điều này sẽ không xảy ra, bởi thực tế vẫn còn nhiều khó khăn lớn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho việc bào chế thuốc. Thứ nhất là việc tiếp cận các dữ liệu có thể khai thác được. Tiếp đến là phải tìm cho ra các chuyên gia tương lai, vừa giỏi về AI, vừa có kiến thức chuyên môn về dược phẩm học.
Mặt khác, như giải thích của Tiến sỹ Heba Sailem, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo y sinh học tại Đại học King ở London, máy móc sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người, nhất là trong một lĩnh vực hệ trọng đối với sức khỏe nhân loại. “Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp dược phẩm là rất lớn, nhưng ngành này không nên vội vã, mà phải thi hành các biện pháp nghiên cứu nghiêm ngặt, trước khi dựa vào kết quả dự báo do AI đưa ra,” TS Sailem nói.