Ngành hàng không trên tiến trình phục hồi: Nỗi lo ách tắc hạ tầng và thiếu hụt nhân sự
Sau hơn hai năm hỗn loạn bất ngờ bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu giao thông hàng không tăng mạnh trong năm 2022 và tạo đà phục hồi cho năm 2023 về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ngành hàng không đang đối mặt với hai điểm nghẽn cần lưu tâm, đó là ách tắc hạ tầng và nguy cơ thiếu hụt phi công, nhân viên kỹ thuật...
Hàng không Việt Nam phát triển khá nhanh trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cắt đứt đà phát triển này khiến hai năm qua, cấu trúc của ngành hàng không thay đổi theo hướng bất lợi. Sản lượng khai thác của thị trường hàng không Việt Nam giảm sút mạnh, thanh khoản của doanh nghiệp giảm nhanh và sâu, dòng tiền mất cân đối, nhiều lao động của ngành bị cắt giảm hoặc mất việc làm.
Trên đà hồi phục năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên nước Nga mang đến vô số thách thức cho ngành hàng không. Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và hạn chế hàng không làm rung chuyển lĩnh vực này, dẫn đến phải hủy bỏ hoặc định tuyến lại các chuyến bay, đẩy giá nhiên liệu lên chiếm 35% tổng chi phí hoạt động của ngành hàng không trên thế giới, giá vé tăng cao cùng nhiều vấn đề khác. Kết thúc năm 2022, thị trường hàng không Việt trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc.
PHỤC HỒI KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Nhớ lại những thời điểm trước đây, ngành hàng không Việt Nam tê liệt hoàn toàn vì “đóng cửa” bầu trời để chống đại dịch Covid-19, có những ngày trên bầu trời không có một chuyến bay thương mại nào hoạt động.
Năm 2022, với việc nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19 và tình hình phòng chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan từ những tháng đầu năm, hoạt động vận tải hàng không Việt Nam có dấu hiệu hồi phục từ tháng 3/2022, đặc biệt là thị trường quốc nội.
Ngay từ tháng 4, thị trường quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường hàng không quốc nội hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% vào các tháng 7 và 8 so với so cùng kỳ 2019.
Tại thị trường quốc nội, các hãng hàng không Việt mở rộng hoạt động khai thác, mở đường bay mới, tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách với 69 đường bay quốc nội thường lệ được khai thác bởi 5 hãng hàng không nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Kết thúc năm 2022, trong khi thị trường hàng không quốc nội tăng trưởng ấn tượng, sản lượng vượt năm đỉnh cao trước đại dịch (năm 2019) nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm trong khi đây là yếu tố đem lại hơn 50% doanh thu cho các hãng.
Còn vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 10% so với năm 2019 nhưng vận chuyển hàng hóa quốc nội giảm 40%.
Đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục diễn ra chậm dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022 và khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.
Theo đó, 62 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác thường lệ 118 đường bay quốc tế tới 24 quốc gia, vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và cả châu Phi.
Bên cạnh việc khôi phục các thị trường truyền thống, các hãng cũng đẩy mạnh việc khai thác các thị trường mới như VietJet, Vietnam Airlines khai thác các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Quốc đến Mumbai, Delhi (Ấn Độ), Vietjet Air khai thác đường bay Cam Ranh - Almaty (Kazakhstan).
Cục Hàng không Việt Nam chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các Nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác (Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Nga...) trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không Việt tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục.
Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên trao đổi, liên lạc và tiếp xúc với Nhà chức trách hàng không của Trung Quốc và Ấn Độ để tăng tần suất, tải cung ứng và điểm đến hai quốc gia đông dân này.
CHƯA CÓ LÃI TỪ LĨNH VỰC KINH DOANH CỐT LÕI
Cũng trong năm 2022, sự phục hồi ở các doanh nghiệp hàng không trong các chuỗi cung ứng không đồng đều. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn do phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong hai năm dịch bệnh bùng phát.
Trong năm 2022, khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ, thị trường vận tải hàng không hồi phục khá nhanh với lượng khách đi máy bay cả năm đạt khoảng 70% của năm 2019 trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, chưa có lãi từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách, hàng hóa...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2023 phát hành ngày 13-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam