Nghẽn lệnh liên tiếp trên HOSE: "Lỗi" vì tiền quá nhiều
Lại một phiên chiều nữa, nhiều nhà đầu tư không thể đặt được lệnh mua/bán chứng khoán. Phiên chiều 24/12, VN-Index đóng cửa trong nỗi thất vọng của nhiều nhà đầu tư
Hôm 24/12, nhà đầu tư lại có một phiên chiều "buồn bã" khi bị treo lệnh cả hai chiều mua và bán. Hiện tượng diễn ra ở nhiều công ty chứng khoán lớn nhỏ như SSI, VND, VPS, FPTS, HSC, TCBS, SHS… Nhà đầu tư bức xúc khi chỉ trong vòng 1 tuần liên tục lỗi đặt lệnh xảy ra vào những thời điểm nhạy cảm nhất của phiên giao dịch.
MỘT TUẦN 4 LẦN "NGHẼN" LỆNH
Theo ghi nhận, trong hơn 1 tuần qua, nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc gián đoạn giao dịch. Lần 1 là trong phiên giao dịch ngày 17/12, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE). Lần thứ 2, lỗi tương tự cũng diễn ra sau 14h20 ngày 22/12.
Lần thứ 3 vào phiên 23/12, nhiều nhà đầu tư phản ánh từ 14h chiều trở đi lệnh giao dịch bị treo khi mua các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, thậm chí không huỷ lệnh được.
Lần thứ 4 là phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh/huỷ lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng. Sang phiên chiều, việc khớp lệnh chỉ diễn ra bình thường chừng 15 phút đầu, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.
Chứng khoán FPTS đã ra thông báo tạm dừng sửa/hủy lệnh trên HOSE. Công ty Chứng khoán HSC đã có lúc thông báo dịch vụ giao dịch trực tuyến tạm thời bị gián đoạn. Trong phiên sáng 24/11 website của HOSE cũng đã có lúc không truy cập được.
"Tôi đặt lệnh mua lúc thị trường giảm mạnh -30 điểm buổi sáng đã không vào, lệnh bị treo dù giá đặt cao hơn giá khớp lệnh, bảng giá thì gần như bất động ở nhiều cổ phiếu, tôi huỷ lệnh cũng không được. Đến buổi nghỉ trưa, dự cảm chiều sẽ lỗi nên tôi đặt sẵn lệnh chờ từ rất sớm nhưng đều bị treo lại. Chúng tôi cần lời giải thích thoả đáng và đưa ra giải pháp khắc phục ngay lập tức của HOSE, nghẽn lệnh 4 lần trong 1 tuần, thiệt hại của chúng tôi ai sẽ đền bù. Hệ thống hiện nay quá lỗi thời không theo kịp sự phát triển của thị trường", ông Nguyễn Văn Thành, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội bức xúc nói rủi ro hệ thống được đánh giá là tối kị, quyết định sự thành bại trong việc gây dựng niềm tin ở các đối tượng tham gia thị trường.
Một nhà đầu tư khác là ông Phạm Tuyến (từ Công ty Chứng khoán KIS, Hà Nội) cho rằng, với tính chất quan trọng của thị trường chứng khoán, nơi được thế giới cũng như Việt Nam coi là hàn thử biểu của nền kinh tế liên tục diễn ra các lỗi hệ thống khiến cho toàn bộ các giao dịch bị ngưng trệ và không thể diễn ra một cách bình thường trong thời gian gần đây.
"Với quy mô thị trường được xây dựng từ 2020-2030 chiếm đến hàng tỷ USD trong mỗi phiên giao dịch. Điều này đòi hỏi đáp ứng về công nghệ, đường truyền và con người đảm bảo thông suốt và vận hành một cách minh bạch để việc mua bán, luân chuyển vốn diễn ra một cách khoa học, kịp thời.
Trong chưa đầy 2 tuần, hệ thống liên tục xảy ra lỗi, thiệt hại là vô cùng lớn. Điều này dẫn đến sự hoang mang đối với không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài. Những lỗi treo lệnh này là đặc biệt nghiêm trọng, nếu không kịp thời sửa đổi sẽ làm mất vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế", ông Tuyến phản ánh.
Giải thích về các lỗi trong trong phiên giao dịch chiều ngày 24/12/2020, Công ty Chứng khoán SSI nói rằng do hoạt động giao dịch tăng mạnh nên thông tin khớp lệnh từ Sở trả về tiếp tục có hiện tượng chậm.
"Các lệnh đặt trên sàn HOSE trong khoảng thời gian này có thể không được cập nhật đúng trạng thái lệnh hoặc đã được gửi vào sàn nhưng SSI chưa nhận được xác nhận từ HOSE", SSI thông báo.
"LỖI" VÌ TIỀN QUÁ NHIỀU
Theo số liệu của 20 công ty chứng khoán hàng đầu, khối lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng 3-12 lần so với năm trước.
Thực tế, từ đầu tháng 12, lượng giao dịch trên HOSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu cổ phần, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên. Một số phiên giao dịch, khối lượng giao dịch vọt lên rất cao, chẳng hạn phiên 23/12 gần 770 triệu cổ phiếu khớp lệnh, với giá trị giao dịch đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, phiên ngày 22/12 cũng có 720 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch vượt 14.000 tỷ. Phiên ngày 23/12, khối lượng giao dịch đã gần 680 triệu cổ phiếu. Phiên 24/12, dù trục trặc phiên chiều nhưng khối lượng khớp lệnh vẫn lên tới 757 triệu cổ phiếu, giá trị vượt 14.180 tỷ đồng trên HOSE.
Nhìn lại lịch sử 20 năm chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay, chưa khi nào thị trường đón nhận dòng tiền vào thị trường ồ ạt và lớn như hiện nay. Đó chính là điểm tích cực của chứng khoán nhưng hệ luỵ là hệ thống giao dịch quá cũ đã không thể theo kịp được sự phát triển của thị trường. Do đó, hiện tượng một số công ty chứng khoán, đặc biệt là công ty có nhiều khách hàng, nhà đầu tư bị treo lệnh không thể mua bán dù thị trường vẫn đang trong giờ giao dịch.
Theo giải thích của đại diện HOSE Nguyễn Vũ Quang Trung, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc phụ trách HOSE trên truyền thông, HOSE cần thêm thời gian để nói chính xác nguyên nhân gây nên hiện tượng "nghẽn lệnh" truyền từ các công ty chứng khoán vào HOSE, song bước đầu xác định là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh. Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Một nguyên nhân khác được giới tài chính chỉ ra đó là HOSE năm nay đã đón nhận khá nhiều tân binh với khối lượng giao dịch lớn như Ngân hàng Á Châu (ACB), LienVietPostbank (LPB), Ngân hàng VIB, MSB, sắp tới đây là Vinaconex (VCG),… Vừa qua nhiều doanh nghiệp như Clever Group, Chứng khoán VIX, hay như Ngân hàng OCB, SHB…cũng đăng ký niêm yết trên HOSE.
Đây đều là các doanh nghiệp và ngân hàng có vốn hoá lớn và khối lượng giao dịch cao mỗi phiên do đó có thể sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống của HOSE trong thời gian tới nếu như không có giải pháp giãn lại.
Trong khi dòng tiền lớn vẫn cuồn cuộn vào chứng khoán mỗi ngày, điều các nhà đầu tư cần lúc này là một hệ thống ổn định đáp ứng giao dịch. Giải pháp tình thế của HOSE đó là áp dụng lệnh lô chẵn 100 thay vì lô 10 như trước đây. Việc thử nghiệm có thể bắt đầu từ 28/12 và đi vào vận hành chính thức trong tháng 1/2021.
Về lâu dài, theo ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu năm 2020 đã khẳng định, Sở có dự án công nghệ thông tin mới thay đổi toàn bộ nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm nay, hệ thống dự tính được hoàn thành. Tuy nhiên, do Covid-19, các chuyên gia của nhà thầu Hàn Quốc không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch là nhiệm vụ trọng tâm của sở. Hệ thống giao dịch mới có thể đáp ứng được thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng/phiên.