Người lao động có thể ký hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp
Pháp luật lao động hiện hành không cấm người lao động có giao kết hợp đồng lao động với 2 doanh nghiệp. Nghĩa là 2 hợp đồng không ảnh hưởng lẫn nhau là đều có thể triển khai được và hợp pháp...
Nhiều người lao động băn khoăn việc có được ký hợp đồng lao động với hai hoặc nhiều công ty khác nhau, và trong trường hợp này thì việc đóng bảo hiểm xã hội tính thế nào.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Khoa, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, cho biết hiện nay có nhiều người có nhu cầu làm việc ở nhiều doanh nghiệp khác nhau trong cùng thời điểm. Người lao động hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với nhiều đơn vị cùng lúc.
Theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Khi người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, cho biết thêm theo quy định với trường hợp có từ 2 hợp đồng lao động với người lao động trở lên, sẽ đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí, tử tuất) tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên.
Bảo hiểm xã hội (quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên người lao động không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng lao động sẽ đóng.
Bảo hiểm thất nghiệp đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên; bảo hiểm y tế đóng tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Theo các chuyên gia, như vậy, hiện nay trong Bộ luật Lao động không cấm người lao động có giao kết hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp. Nghĩa là 2 hợp đồng không ảnh hưởng lẫn nhau là đều có thể triển khai được và hợp pháp.
Về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động, Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp sau:
Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó; người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.
Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.