Nhà bán lẻ tăng trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa, kích cầu tiêu dùng
Việc hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là rất cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt thật sự bền vững nhằm chinh phục người tiêu dùng Việt và sẵn sàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính…
Hệ thống các siêu thị lớn tại TP.HCM gồm Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Aeon, Central Retail, Wincomerce, Bách Hóa Xanh, Kingfood Market đang cùng tham gia và triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (hay còn gọi là chương trình "Tick xanh trách nhiệm"). Theo đó, các siêu thị bắt tay nhau để kiểm soát chất lượng hàng hóa, nếu một hệ thống phát hiện một nhà cung cấp vi phạm về chất lượng, sẽ thông báo với các siêu thị còn lại và loại hàng ra khỏi toàn bộ hệ thống sau khi xem xét, đánh giá.
TICK XANH TRÁCH NHIỆM
Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2024 diễn ra từ 26 đến 29/9, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức sơ kết sáu tháng triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm". Theo ghi nhận, các nhà bán lẻ đều ủng hộ chương trình. Sau khi tự nguyện tham gia, họ đã triển khai các nội dung với nhà cung cấp, đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ông Vũ Dương Quân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, ngay sau khi tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm", Satra gửi thông báo để nhà cung cấp biết về chương trình, và đã có có 65% nhà cung cấp có phản hồi hưởng ứng. Satra đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp tham gia chương trình một khu vực trưng bày trong hệ thống siêu thị, tổ chức các buổi dùng thử sản phẩm và quảng bá các sản phẩm tick xanh lên ấn phẩm khuyến mãi định kỳ. “Qua thử nghiệm cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp tick xanh đạt tốc độ tăng trưởng tốt,” ông Quân nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại miền Trung và miền Nam của Central Retail Việt Nam, cho biết các siêu thị GO!, Big C hiện nay có chủ trương toàn bộ rau củ quả đưa vào hệ thống buộc phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP. Định hướng của tập đoàn không phải là hàng hóa đạt chuẩn tối thiểu vào siêu thị mà phải là chuẩn cao nhất. Việc này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.
Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market Việt Nam cho biết, theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar mối quan tâm lo lắng hàng đầu của người tiêu dùng Việt khi mua sắm là vấn đề an toàn thực phẩm. Năm ngoái tỉ lệ này 45% nhưng năm nay tăng lên 55%. Vì vậy, chương trình tick xanh của TP.HCM rất ý nghĩa. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng hàng hóa đồng bộ các nhà cung cấp ở tất cả hệ thống bán lẻ và quản lý nội bộ tốt hơn.
Dù vậy, bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op cho biết, qua sáu tháng triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" nhận thấy một số khó khăn. "Chúng tôi mong muốn các sở ngành địa phương hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp bằng cách tăng cường quản lý tại nguồn. Chúng ta quản lý xuyên suốt từ nguồn cung cấp vật tư nông nghiệp, quá trình sản xuất và phân phối tận tay người tiêu dùng. Làm sao để sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hạn chế giám sát qua nhiều công đoạn gây lãng phí xã hội”, bà Thủy nói.
Đồng tình với nhận định trên ông Khôi cũng cho rằng qua sáu tháng triển khai chương trình tick xanh, 80% nhà cung cấp tại TP.HCM biết về chương trình, nhưng khi triển khai tới một số tỉnh thành các nhà cung cấp vẫn chưa biết. Vì vậy, để khuyến khích nhà cung cấp các tỉnh khuyến khích tham gia chương trình cần cho họ thấy sự khác biệt.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước mắt, Sở Công Thương sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị. Khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết về kiểm soát chất lượng, được xem xét và đánh dấu "tick xanh” sẽ được thống nhất hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối. Sở Công Thương cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm cho phù hợp, đủ sức răn đe.
KÍCH THÍCH SỨC MUA
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”. Theo đó các doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều hoạt động khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Thông qua kích cầu tiêu dùng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Thực tế cho thấy, những ngày này, hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để tổ chức các chương trình khuyến mại, siêu thị đã chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; Tổ chức các phiên chợ đồng giá... “Hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức chương trình khuyến mại "Túi hàng to - Giá tiền nhỏ". Chương trình giảm sâu lên đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm thuộc các nhóm hàng thiết yếu”, bà Dung nêu ví dụ.
Tương tự, nhằm kích cầu tiêu dùng, hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ triển khai nhiều chương trình ưu đãi mang đến cơ hội mua sắm hàng trăm sản phẩm “Giá siêu rẻ” với mức giảm giá lên đến 50% cùng các ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu từ thực phẩm khô như dầu ăn, nước mắm, gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân.
Từ nay đến hết ngày 8/10, hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng triển khai chương trình khuyến mãi “Yêu thương cho mẹ và bé” với nhiều ưu đãi hấp dẫn chỉ từ 39.000 đồng. Bên cạnh đó, Lotte Mart cũng áp dụng giá sốc dành cho khách hàng thành viên có hóa đơn từ 400.000 đồng và áp dụng đồng giá 99.000 đồng cho các sản phẩm như Miến khô Ottogi, hạt nêm Knorr, nước mắm Knorr, sữa 137 Degrees...
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm giá, khuyến mại được xem là giải pháp để kích thích sức mua. Tuy nhiên, để những chương trình đi vào thực chất, các đơn vị kinh doanh cần bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giảm giá, tránh tình trạng nâng giá rồi giảm.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức thông tin, Saigon Co.op đã thực hiện ký kết hợp tác với các nhà cung cấp trong nhiều ngành hàng như may mặc, thủy hải sản, gia súc gia cầm… để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Hoạt động này tạo hàng rào vững chắc ngăn hàng hóa không rõ xuất xứ, thực phẩm bẩn vào hệ thống phân phối.
Tương tự, ông Park Chang Lyul, Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam cho hay tất cả các mặt hàng cung cấp vào LOTTE Mart đều đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan Nhà nước và trải qua quy trình kiểm soát từ việc nhập hàng cho đến ra thành phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, từng khâu, LOTTE Mart sẽ có những bộ phận kiểm soát và quy trình riêng để kiểm soát chất lượng.