Nhiều quốc gia du lịch khuyến cáo đeo khẩu trang trở lại để phòng BA.5
Sân bay các nước đang kẹt cứng người dân đổ xô du lịch hè, các lễ hội sôi động tại khắp mọi nơi. Tuy nhiên, WHO đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia theo dõi sự lây lan Covid-19 khi châu Âu hiện chứng kiến khoảng 500 ca tử vong mỗi ngày, ngang bằng với mùa hè năm 2020…
Trong 2 tuần qua, số ca nhập viện liên quan đến Covid-19 tăng nhanh chóng ở Pháp, với gần 1.000 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày, theo dữ liệu của chính phủ. Ước tính của Our World in Data, các ca nhiễm mới cũng đang gia tăng trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng Pháp có tỷ lệ người phải nhập viện cao đặc biệt. Trong tuần này chính phủ khuyến cáo mọi người tiếp tục đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.
Pháp đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vào tháng 4 và khách du lịch nước ngoài có thể đến đây bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không khám phá các bãi biển, nhà hàng và quán bar ở Địa Trung Hải. Du lịch phục hồi nhưng tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại khiến chính phủ Pháp không khỏi lo lắng. Các bệnh viện đang phải vật lộn với đội ngũ nhân viên lâu năm và thiếu hụt kinh phí. Các quan chức địa phương đang dự tính các biện pháp mới, bao gồm quy định đeo khẩu trang trong nhà ở một số thành phố nhưng không ảnh hưởng hoạt động kinh tế.
Cũng tại châu Âu, chính phủ Italy đã điều chỉnh quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc để phòng dịch Covid-19. Theo các quy định mới được công bố vào ngày 30/6 và có hiệu lực đến ngày 31/10, chính phủ Italy nhấn mạnh rằng việc sử dụng khẩu trang FFP2 vẫn là "một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người lao động, nhằm ngăn ngừa Covid-19 trong bối cảnh họ phải làm việc trong môi trường khép kín hoặc những nơi mà các cá nhân không thể cách xa nhau 1m do tính chất đặc thù của các hoạt động công việc".
Các công ty tư nhân phải đảm bảo việc cung cấp khẩu trang FFP2 cho toàn bộ người lao động, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do môi trường làm việc hoặc do sức khỏe kém. Người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo rằng các khu vực chung như cantine, khu vực hút thuốc và phòng thay đồ được thông gió và vệ sinh đầy đủ. Chính phủ Italy nhấn mạnh, các quy định mới là "sự đơn giản hóa quan trọng của khung quy định, nhưng không phải áp dụng cho mọi trường hợp do sự gia tăng các ca mắc mới Covid-19 trong những ngày gần đây".
Tương tự, yêu cầu đeo khẩu trang trở lại được đưa ra trong bối cảnh số ca F0 tại Israel đã tăng thêm hơn 4.500 trường hợp trong 24 giờ qua, tăng mạnh so với mức trung bình hơn 2.000 bệnh nhân của tuần trước đó. Bộ Y tế Israel nhận định, đợt gia tăng số ca F0 này dường như do biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Bên cạnh đó, theo kênh truyền hình quốc gia Kan, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế Israel dự kiến thảo luận về khả năng triển khai tiêm vaccine mũi thứ 5 cho các đối tượng trong nhóm có nguy cơ cao.
Cục Thống kê trung ương Israel công bố dữ liệu cho thấy, nước này đã ghi nhận 262.700 lượt người nhập cảnh trong tháng 5 vừa qua, trong đó 249.200 là khách du lịch. Đây là lượng khách du lịch kỷ lục mà nước này ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Bộ Y tế Israel đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong các không gian kín nơi công cộng và nơi tập trung đông người.
Theo WHO, châu Âu và Đông Nam Á chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng hơn 30%, châu Mỹ tăng 14%. WHO nhận định, khả năng theo dõi sự biến đổi gene của virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang gặp khó khăn khi các quốc gia nới lỏng những hạn chế phòng chống dịch. Điều này có thể khiến việc phát hiện các biến thể mới đang nổi lên và có khả năng nguy hiểm trở nên khó khăn hơn. Từ đó, WHO cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc nếu các nước không tăng cường cảnh giác.
Trước tình hình này, Tướng Supote Malaniyom, người đứng đầu CCSA Thái Lan và là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết trung tâm đã đồng ý hoãn buổi họp báo công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu thêm một tuần. Sự xuất hiện của hai biến chủng BA.4 và BA.5 cùng nhiều lệnh hạn chế tại Thái Lan được gỡ bỏ chính là nguyên nhân của việc thay đổi quyết định.
Cơ quan này khẳng định không cân nhắc nâng các biện pháp chống dịch do số ca nhiễm biến thể dễ lây lan là BA.4 và BA.5 vẫn ở mức thấp. Bộ Y tế Thái Lan tuần trước đã tuyên bố nước này sẽ bước sang giai đoạn hậu đại dịch kể từ ngày 1/7. Kể từ ngày này, khách du lịch đến Thái Lan không cần phải đăng ký qua hệ thống Thailand Pass và không đóng khoản bảo hiểm bắt buộc trị giá 10.000 USD. Trong trường hợp khách du lịch chưa tiêm đủ hai mũi vaccine cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72h (PCR hoặc test nhanh).
Tuy nhiên, cơ quan y tế Thái Lan khuyến cáo mọi người nên tiếp tục đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín với những người không cùng một hộ gia đình, và chỉ bỏ khẩu trang khi ăn, tập thể dục, tham gia biểu diễn, hay tiến hành các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp... Hầu hết người dân Thái vẫn tự nguyện đeo khẩu trang cả khi ở các khu vực ngoài trời như công viên, chỗ đông người, hay các địa điểm thông gió kém. Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan cũng khuyến cáo du khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay đến nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được khôi phục tại nước này nếu như dịch bùng phát trên diện rộng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Campuchia ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc Covid-19 trong 4 ngày liên tiếp vừa qua, chấm dứt chuỗi thời gian gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, chia sẻ với AFP: “Khi các quốc gia trong khu vực châu Âu dỡ bỏ các biện pháp xã hội đã áp đặt trước đó, virus sẽ lây truyền ở mức độ cao trong mùa hè”. WHO khuyến cáo những người có các triệu chứng về đường hô hấp nên cách ly, cập nhật thông tin về tiêm chủng, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
Ông Kluge cũng kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng. "Khả năng miễn dịch cộng đồng cao, những phương án được thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi là chìa khóa để ngăn ngừa tỉ lệ tử vong tiếp tục xảy ra trong mùa hè này," vị chuyên gia lưu ý.
Với sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5 của Omicron, Bộ Y tế Việt Nam cũng dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới. Bộ Y tế đã đề xuất thông điệp V2K (Vaccine - Khẩu trang - Khử khuẩn) để phù hợp với tình hình thực tế.