Nhiều ý kiến đề nghị không giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp
Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất không giới hạn thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa, và thực hiện bảo lưu đối với thời gian còn lại trong trường hợp người lao động tìm kiếm được việc làm mới…
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật nêu quan điểm giữ nguyên quy định, vì đây là chế độ ngắn hạn.
XEM XÉT THÊM QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI ĐÓNG TRÊN 12 NĂM
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Góp ý về nội dung này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đề nghị có sự phân biệt về mức, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Có thể điều chỉnh thành 2 mức hưởng như sau: Trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến 24 tháng, và từ 25 tháng đến 36 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ có các mức hưởng khác nhau, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Long An, Đồng Nai, Manpower Group Việt Nam đề nghị xem xét sửa đổi quy định về chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tham gia đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng (không hưởng gộp trong 3 năm đầu).
Đồng thời, không giới hạn thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa, và thực hiện bảo lưu đối với thời gian còn lại trong trường hợp người lao động tìm kiếm được việc làm mới.
Cùng với đó, đề nghị xem xét bổ sung quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 (trên 12 năm) trở đi. Có thể cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp, để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh…trong thời gian tương ứng với thời gian đóng, chứ không chỉ là 12 tháng tối đa.
Việc giới hạn thời gian hưởng tối đa là 12 tháng sẽ dẫn đến hệ quả người lao động sau khi làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp. Thậm chí, nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ đã tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm.
Tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì họ sẽ không tiếp tục tham gia, và sẽ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác. Để thay đổi được tư duy của người lao động về ý nghĩa thực sự của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là quá trình dài trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhưng trước mắt, quy định như dự thảo chưa phù hợp với số đông người lao động, và bối cảnh kinh tế, việc làm gặp nhiều biến động như hiện nay.
THÚC ĐẨY NGƯỜI LAO ĐÔNG NHANH CHÓNG TRỞ LẠI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Phản hồi về kiến nghị của các đơn vị, tại bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình dự án luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên quy định.
Cơ quan này lý giải quy định đóng 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng, và quy định thời gian hưởng tối đa 12 tháng kế thừa quy định Luật Việc làm 2013, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm.
Còn việc quy định thời gian hưởng tối đa, vì đây là chế độ ngắn hạn, đồng thời, thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề...
Theo bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, luật hiện hành quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng, bởi đây là quy định để khuyến khích người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động chứ không ỉ lại vào trợ cấp thất nghiệp, từ đó gây gánh nặng khác cho xã hội.
Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp là sự chia sẻ rủi ro, về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là các khoản kết dư trong các trường hợp cụ thể có thể sẽ trích ra sử dụng trợ cấp cho người lao động. Đơn cử như vừa qua là hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, ngoài ra còn chi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất…
Theo dự thảo luật, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: (i) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; (ii) Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; (iii) Trợ cấp thất nghiệp; (iv) Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (v) Hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp, và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết các chế độ hỗ trợ cơ bản kế thừa luật hiện hành, song có bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật, nhằm khuyến khích người sử dụng lao động tuyển và sử dụng nhóm lao động này.
Còn việc bãi bỏ chính sách “Hỗ trợ học nghề” thực chất chỉ thay đổi tên chế độ, để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, mở rộng chế độ hỗ trợ cho người lao động, như tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề…