Những chính sách giao thông liên quan ô tô, xe máy có hiệu lực từ tháng 6/2022
Từ tháng 6, một số chính sách mới liên quan đến lĩnh vực ô tô, xe máy sẽ chính thức có hiệu lực như chính thức dừng thu phí thủ công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kiểm tra dán nhãn năng lượng xe máy, công khai mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm; tăng thời gian thực hành lái ô tô trên đường.
Chính thức dừng thu phí thủ công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6
Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 1/6, trạm thu phí tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ không còn làn thu phí hỗn hợp như hiện nay, thay vào đó tất cả các làn sẽ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC), trừ một làn dành riêng cho việc giải quyết sự cố.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/6, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC).
Ô tô không dán thẻ ETC, hoặc tài khoản không đủ đi vào cao tốc sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 3 tháng.
Công ty Thu phí tự động VETC sẽ bố trí 200 nhân viên tại 15 điểm trạm thu phí cao tốc để dán thẻ trong một tháng đầu. Chủ xe chỉ cần dừng chờ 2 phút là hoàn tất thủ tục dán thẻ Etag và mở tài khoản giao thông.
Mỗi trạm thu phí đã bố trí làn riêng dành cho xử lý sự cố. Xe gặp lỗi thẻ sẽ được di chuyển vào làn này để hỗ trợ dán lại.
Trường hợp chủ xe chưa dán thẻ đi vào trạm thì sẽ được phát vé giấy, rồi dừng chờ dán thẻ sau trạm. Nếu chủ xe không muốn dán thẻ sẽ được hướng dẫn đi ra khỏi cao tốc theo đường gom; nếu cố tình đi trên cao tốc sẽ bị phạt nguội.
Kiểm tra dán nhãn năng lượng xe máy, công khai mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm
Từ ngày 1/6 đến 31/7 hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiểm tra định kỳ việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại nơi bán hàng hoặc đại lý bán hàng.
Trước đó, quy định về dán nhãn năng lượng xe máy bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Theo đó, mọi xe mô tô và xe gắn máy mới bán tại Việt Nam đều phải dán nhãn năng lượng, thể hiện mức tiêu hao nhiên liệu theo đơn vị lít/100km và được in tem dán ở vị trí nổi bật, dễ nhìn thấy nhất trên xe.
Người tiêu dùng mua xe máy có thể nhìn nhãn dán và biết mẫu xe chọn mua có mức độ tiêu thụ nhiên liệu như thế nào, từ đó có thêm thông tin để cân nhắc khi lựa chọn mua xe. Trong điều kiện giá xăng tăng cao thời gian gần đây, mức độ tiêu hao nhiên liệu đã trở thành một yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn mua xe của người tiêu dùng.
Theo Thông tư 59/2018 của Bộ GTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe (gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu tới Cục Đăng kiểm VN để công khai trên trang thông tin điện tử). Đồng thời, cũng phải đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình (nếu có). Và thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe máy đó ra thị trường.
Quy định về dán nhãn năng lượng xe máy, công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của từng dòng xe được cho là kích thích các hãng xe nâng cấp công nghệ, sản xuất nhằm đưa ra thị trường những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Tăng thời gian thực hành lái ô tô trên đường
Từ ngày 15/6, Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh thời gian học thực hành lái xe trong chương trình đào tạo lái xe ôtô đối với hạng B1, B2 và C.
Trước đó, ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, điều chỉnh thời gian học thực hành lái xe ô tô trên sân tập lái và trên đường giao thông.
Theo đó, tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT điều chỉnh thời gian học thực hành lái xe ô tô trong chương trình đào tạo lái xe ô tô như sau:
- Đối với hạng B1 (học xe số tự động):
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ.
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 20 giờ lên 24 giờ
- Đối với hạng B1 (học xe số cơ khí), hạng B2:
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ.
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 36 giờ lên 40 giờ
- Đối với hạng C:
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 46 giờ xuống 43 giờ.
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 45 giờ lên 48 giờ
Ngoài ra, khoản 9 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT còn cho phép cơ sở đào tạo kéo dài thời gian trang bị và sử dụng ca bin mô phỏng học lái xe để đào tạo lái xe ô tô đến ngày 31/12/2022 thay vì phải trang bị ngay từ 1/7/2022.