Những gói hàng giá rẻ của Shein và Temu đang bị “siết chặt”
Tháng này, chính quyền ông Biden cho biết họ có ý định thực hiện hành động hành pháp để ngăn chặn hàng dệt may từ Trung Quốc vào Mỹ theo cách thức miễn trừ thuế thương mại cho các gói hàng có giá trị từ 800 USD trở xuống…
Theo WSJ, với sự gia tăng nhanh chóng của các trang web mặc cả như Shein và Temu, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra một số đề xuất để hạn chế điều khoản thuế de minimis. Hôm 26/8, sự quan tâm bùng lên khi PDD - công ty mẹ của Temu - gây chấn động với doanh số quý 2 tăng gần 90%.
"De minimis" tức là "quá nhỏ để có ý nghĩa" (too small to be meaningful). Nó cho phép các gói hàng dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Mức này tại Mỹ là 800 USD và 150 euro ở Liên minh châu Âu (EU).
Số lượng gói hàng dưới ngưỡng 800 USD đã tăng vọt lên hơn một tỷ gói vào năm ngoái tại Mỹ, so với khoảng 140 triệu gói vào một thập kỷ trước. Shein và Temu chiếm 30% tổng số lô hàng "de minimis", theo ước tính công bố năm ngoái bởi Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc. "Chúng tôi rất lo ngại về việc các công ty nước ngoài lớn sử dụng lỗ hổng này với quy mô và số lượng như vậy, đến mức có thể xem là lạm dụng", một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, người lao động và doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh sòng phẳng, nhưng các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc "đã né tránh thuế quan bằng cách lạm dụng quy định miễn trừ de minimis thời gian dài". Chính quyền Biden do đó dự kiến đề xuất các quy tắc mới, áp dụng với hàng may mặc được đặt mua từ Shein và Temu. Cùng với đó, các lô hàng dưới ngưỡng chịu thuế cần cung cấp thêm thông tin, nhằm giúp Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhận diện tốt hơn các sản phẩm bất hợp pháp hoặc không an toàn.
Tương tự, lo ngại châu Âu tràn ngập ''thời trang siêu nhanh" giá rẻ Trung Quốc, EU cũng tìm cách ngăn các gói hàng được miễn thuế của Shein và Temu. Ý tưởng ban đầu của "de minimis" là khuyến khích khách du lịch mua sắm, tiết kiệm công sức cho ngành hải quan, cũng như đơn giản hóa thương mại quốc tế. Nhưng giờ, giới chức phương Tây cho rằng quy tắc này cần được xem lại. Tại EU, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 2 tỷ bưu kiện có giá trị khai báo dưới 150 euro được nhập vào khu vực này năm ngoái.
EC cho rằng "khối lượng thương mại điện tử khổng lồ đang thử thách giới hạn của hải quan". Theo Le Monde, EU đã thảo luận về việc bỏ giới hạn 150 euro như một phần của dự án cải cách hải quan do EC đề xuất vào tháng 5/2023. Họ đang tìm cách đẩy nhanh việc thống nhất phương án để chống lại sự gia tăng của hàng nhập khẩu giá rẻ.
Mới đây, Bộ Kinh tế Đức công bố "Kế hoạch hành động thương mại điện tử" nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu không kiểm soát các sản phẩm giá trị thấp từ các nước ngoài EU. Bản kế hoạch có nhắc đến Temu và Shein.
Đức dự định triển khai 3 biện pháp chính, gồm tăng năng lực hải quan và giám sát thị trường, kiểm soát chặt hơn hàng nhập khẩu; thực thi nghiêm ngặt Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Chính quyền sẽ hành động phù hợp với bảo vệ môi trường và người tiêu dùng, hướng tới loại bỏ ngưỡng miễn thuế các gói hàng nhỏ.
Có thể nói, kẽ hở mang lại lợi ích rất lớn cho Shein và đối thủ thương mại điện tử Temu giờ đây đang dần đóng lại. Các quốc gia bao gồm Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Liên minh châu Âu gần đây cũng đã “siết” các lỗ hổng tương tự. Frances Townsend, cố vấn cấp cao của Shein cho biết công ty sẽ chấp nhận các cải cách và làm việc với các cơ quan quản lý và nhà lập pháp để đảm bảo chúng khả thi.
Dù vậy, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành người Trung Quốc Sky Xu của Shein đã không giải quyết các thách thức của công ty một cách công khai, để lại công việc vận động hành lang cho Chủ tịch điều hành Donald Tang. Là cựu giám đốc điều hành của Bear Stearns có trụ sở tại Los Angeles, ông Tang thường xuyên đi đến Washington và các thủ đô châu Âu để gặp gỡ các cơ quan quản lý và chính trị gia.
Trong hai quý đầu năm 2024, Shein đã chi hơn 2 triệu USD cho các nỗ lực vận động hành lang liên bang của Mỹ theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận OpenSecrets. Con số này gần bằng số tiền mà công ty đã chi cho hoạt động vận động hành lang trong cả năm 2023. Vào đầu năm, Shein dự kiến doanh thu sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2024, thay vì mức tăng trưởng 40% như trong vài năm qua. OpenSecrets cho biết các nỗ lực tuân thủ những quy định mới có thể làm giảm thêm mức tăng trưởng doanh số trong năm nay.
Không chỉ là vấn đề giá cả, cơ quan chống độc quyền của Italy cũng vừa mở cuộc điều tra về Shein, cáo buộc hãng thời trang nhanh này đưa ra các tuyên bố gây hiểu lầm về môi trường. Cuộc điều tra tập trung vào việc Shein có thể đã tạo dựng hình ảnh sản xuất bền vững nhưng không cung cấp đủ thông tin minh bạch.
Cuộc điều tra nhắm vào công ty Infinite Styles Services CO. Limited với cáo buộc rằng website Shein đang cố gắng truyền tải hình ảnh về sự bền vững trong sản xuất và thương mại nhưng thông tin được đưa ra còn quá chung chung, mơ hồ, gây nhầm lẫn và/hoặc gây hiểu lầm tới người tiêu dùng.
Đây là động thái mới nhất trong chuỗi điều tra của các cơ quan quản lý trên khắp châu Âu liên quan đến những tuyên bố có thể gây hiểu lầm về môi trường. Trước đó, Liên minh châu Âu đã công bố hàng loạt quy định mới nhằm trấn áp hành vi "tẩy xanh" (greenwashing - tuyên bố sai về tính thân thiện với môi trường). Cơ quan chức năng của Italy cho biết một số thông tin trên Shein về bộ sưu tập "evoluSHEIN" có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về lượng vải "xanh" được sử dụng, đồng thời không có ghi chú rõ ràng về việc các sản phẩm này không thể tái chế.
Theo quy định chống "greenwashing" của Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ năm nay và sẽ được áp dụng tại tất cả các quốc gia thành viên trong hai năm tới, doanh nghiệp không được phép đưa ra các tuyên bố mơ hồ về môi trường như gắn nhãn sản phẩm là "tiết kiệm năng lượng" hoặc "thân thiện với môi trường" nếu không có bằng chứng cụ thể để chứng minh.