Ôm tiền nghỉ lễ, thanh khoản duy trì thấp, VIC giữ sắc xanh cho VN-Index
Thông tin bất ngờ về hệ thống KRX lại lỡ hẹn vào ngày 2/5 tới đã khiến thị trường thất vọng đáng kể. Áp lực bán có tín hiệu tăng trong buổi sáng, một phần vì thị trường sẽ tạm dừng giao dịch kéo dài. Tuy nhiên khả năng nâng đỡ của lực cầu bắt đáy vẫn đủ để duy trì trạng thái cân bằng, trong khi sự nổi trội của trụ VIC kéo VN-Index lên gần sát đỉnh cao nhất phiên khi đem lại tới 2,3 điểm trong tổng mức tăng 4,55 điểm...
Thông tin bất ngờ về hệ thống KRX lại lỡ hẹn vào ngày 2/5 tới đã khiến thị trường thất vọng đáng kể. Áp lực bán có tín hiệu tăng trong buổi sáng, một phần vì thị trường sẽ tạm dừng giao dịch kéo dài. Tuy nhiên khả năng nâng đỡ của lực cầu bắt đáy vẫn đủ để duy trì trạng thái cân bằng, trong khi sự nổi trội của trụ VIC kéo VN-Index lên gần sát đỉnh cao nhất phiên khi đem lại tới 2,3 điểm trong tổng mức tăng 4,55 điểm.
Thông thường khi mạch giao dịch tạm dừng kéo dài, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trước những biến động bất ngờ. Đặc biệt kỳ nghỉ này đúng vào dịp loạt thông tin vĩ mô trong nước cũng như tại Mỹ sẽ xuất hiện có khả năng tác động mạnh lên kỳ vọng của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư trong nước giao dịch ít hoặc bán ra nhiều hơn là quan điểm phòng ngừa rủi ro bình thường.
Sáng nay thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng 25% và ngay từ đầu phiên đã đã có nhịp sụt giảm khá mạnh. Thông tin hệ thống KRX chưa được chấp thuận vận hành từ ngày 2/5 tới khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán lao dốc cả loạt, kéo theo nhiều cổ phiếu khác bị bán. Chốt phiên sáng độ rộng VN-Index chỉ có 176 mã tăng/243 mã giảm.
Sang phiên chiều thanh khoản thậm chí còn xuống thấp hơn nữa, giao dịch 2 sàn giảm 1,2% so với phiên sáng, nhưng thị trường không tạo đáy sâu mới. Trái lại, lực bán có phần nhẹ đi giúp độ rộng cải thiện dần, cho thấy có nhịp phục hồi ở cổ phiếu. Độ rộng lúc đóng cửa ghi nhận 209 mã tăng/227 mã giảm. VN-Index tăng 0,38% so với tham chiếu.
Diễn biến chiều nay là sự phối hợp giữa đà tăng bùng nổ ở cổ phiếu trụ và lực cầu bắt đáy nâng giá trên diện rộng. VIC là mã dẫn dắt nổi bật. Cổ phiếu này chốt phiên sáng đã rất tốt với mức tăng 2,74% nhưng đến chiều còn mạnh hơn nữa sau khi có tin kết quả kinh doanh quý 1/2024. Thậm chí đợt ATC VIC còn duy trì giá đóng cửa dự kiến ở mức kịch trần trong thời gian dài, trước khi lùi lại còn tăng 5,83%. Như vậy riêng chiều nay VIC tăng thêm 3,01% so với buổi sáng, dù thanh khoản khá nhỉ chỉ 72,7 tỷ đồng. Đó là biểu hiện của việc giảm áp lực bán rõ rệt, vì giá có khả năng bùng nổ mạnh mẽ mà không gặp khối lượng bán cản nhiều.
Loạt blue-chips khác tham gia dẫn dắt VN-Index đi lên chiều nay còn có HDB tăng 4,89% và riêng buổi chiều tăng 1,07%; PLX tăng 1,71% và riêng chiều tăng 1,42%. GVR cũng khá mạnh với mức tăng 2,04%, nhưng chủ yếu là sức mạnh từ sáng khi buổi chiều chỉ tăng thêm 0,33%. MBB, CTG, HPG, TCB, VPB, VHM… cũng có đóng góp nhất định khi bớt giảm. Đáng tiếc nhất là VCB trong đợt ATC lại bị ép mạnh xuống, chỉ còn tăng 0,22% dù cuối đợt liên tục vẫn còn tăng 1,43%. Nếu VCB hợp sức cùng VIC thì thị trường cuối phiên sẽ còn bùng nổ hơn nữa.
Dù vậy thị trường vẫn tiến triển tích cực hơn về cuối phiên. Không chỉ độ rộng cân bằng trở lại mà mặt bằng giá nhóm tăng cũng được nâng lên. HoSE kết phiên với 79 cổ phiếu tăng trên 1% (phiên sáng là 58 mã). Thanh khoản nhóm này cũng chiếm gần 31% tổng giá trị khớp của sàn. Nhiều mã trong số này thuộc nhóm thanh khoản lớn nhất thị trường như MWG tăng 2,04% thanh khoản 645,6 tỷ đồng; GMD tăng 3,44% với 476,2 tỷ; DGC tăng 2,33% với 422,3 tỷ; SHB tăng 3,15% với 376,4 tỷ; FRT tăng 5,23% với 333,6 tỷ; HDB tăng 4,89% với 299,8 tỷ… Đó là chưa kể đại bộ phận nhóm này đảo chiều thành công trong phiên từ giảm sang tăng.
Nhóm giảm giá tuy cũng khá nhiều (227 mã) và cũng tới 74 mã giảm quá 1% nhưng thanh khoản chỉ tập trung khoảng 16,3% sàn. Ngoài ra cũng chỉ có gần 20 cổ phiếu thanh khoản được quá 10 tỷ đồng, tập trung cao nhất là các mã DIG, VIX, MSN, GEX, VND, DXG, KBC – các mã khớp trên 100 tỷ đồng phiên này.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào rất tốt với cổ phiếu và vẫn duy trì bán ròng lớn tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với -143,9 tỷ đồng. Nếu không tính chứng chỉ quỹ này thì khối ngoại mua ròng cổ phiếu sàn HoSE tới gần 252 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 được mua ròng 342,5 tỷ, nổi bật là MWG +273,9 tỷ, VCB +68,5 tỷ, MSN +49,8 tỷ, VIC +431 tỷ, VNM +42,9 tỷ, SSI +36,1 tỷ… Phía bán chỉ vài mã đáng kể là DIG -59,6 tỷ, CTG -58,2 tỷ, VRE -56,7 tỷ, FTS -30 tỷ.