Phát triển nhà ở xã hội cho người dân: Sớm đưa Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực
Với nhiều điểm đột phá, phù hợp với thực tiễn, Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, để sớm đưa chính sách đi nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn 6 tháng…
Tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 10/5, Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và đảm bảo chất lượng, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Hiện, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có dự thảo Nghị định quy đinh chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
BỐ TRÍ ĐẤT CHO NHÀ Ở XÃ HỘI
Chia sẻ về những điểm mới liên quan đến nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết so với Luật Nhà ở năm 2014, Luật mới đã bổ sung thêm một số hình thức phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Luật bổ sung thêm hình thức phát triển nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung chủ thể đầu tư của nhà ở xã hội; trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Để khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất cho nhà ở xã hội, theo ông Hưng, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương còn phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dành ngân sách để xây dựng dự án đầu tư nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Luật Nhà ở mới còn có những quy định tạo cú huých cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Chẳng hạn, đối với các ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, vẫn được lợi nhuận là 10% phần đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; còn đối với phần 20% đất để xây dựng nhà ở thương mại hoặc kinh doanh công trình dịch vụ thương mại thì chủ đầu tư sẽ phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần đất này nhưng được kinh doanh tự do và hưởng lợi nhuận.
“Như vậy, về mặt cơ bản, lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ cao hơn so với quy định của Luật Nhà ở trước đây”, ông Hưng nhấn mạnh.
SỚM ĐƯA LUẬT NHÀ Ở ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cho biết những quy định mới của Luật là cú huých rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, người dân, các đối tượng thuê nhà mà còn là cú húych cho cả thị trường bất động sản. Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước… là những tỉnh, thành phố rất tích cực trong việc quy hoạch để dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Hay theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Hà Nội chủ động dành 400ha để phát triển nhà ở xã hội, bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 270ha và hơn 1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương đương 15.000 nhà ở xã hội. Đến nay, 4/5 dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư; có nghĩa việc triển khai có tính khả thi. Tuy nhiên, cũng có tỉnh, thành phố đã quy mô trên 80ha, trong đó có 2 dự án đang triển khai, nhưng mới dừng lại ở tiến độ kêu gọi nhà đầu tư.
“Có nghĩa là về tổ chức thực hiện; tính chủ động, tính hấp dẫn ở các địa bàn khác nhau rất khác nhau”, bà Trần Nguyên Hồng nhận định.
Cùng với đó, theo bà Hồng, dù hiện nay Luật Nhà ở 2023 đã bỏ nhiều quy định không cần thiết, chẳng hạn đối tượng được mua nhà ở xã hội chỉ còn 2 điều kiện về nhà ở và thu nhập. Mặc dù vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Hồng Nguyên lưu ý, thực tế để người dân có được giấy xác nhận về thu nhập và xác nhận chưa có nhà không hề đơn giản. Lý do là cơ sở dữ liệu về nhà ở chưa có sự liên thông, kết nối.
“Do đó, khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn phải rất chi tiết để luật đã được Quốc hội thông qua đi vào thực tiễn, thông suốt; tránh tạo những rào cản trong quá trình thực thi khiến mục tiêu không đạt được như kỳ vọng”, bà Trần Hồng Nguyên khuyến nghị.