“Phép thử” của thị trường ô tô Việt Nam năm 2023

Lê Vũ
Chia sẻ

Thị trường ô tô Việt Nam vừa trải qua một năm kinh doanh đầy cơ hội và thách thức đan xen với các hãng xe và các đại lý. Tuy nhiên, với những tiền đề vững chắc đang được xây dựng, nhiều chuyên gia đánh giá năm 2023 chỉ là một “phép thử” trước khi Việt Nam có thể thực sự bước vào thị trường mới nổi trong ngành công nghiệp ô tô từ năm 2024.

Doanh thu sụt giảm nhưng vẫn ra mắt hàng loạt xe mới

Doanh số ô tô toàn thị trường sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: VinFast
Doanh số ô tô toàn thị trường sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: VinFast.

Xu hướng sụt giảm đáng lo ngại của thị trường ô tô Việt chính thức được xác lập từ tháng 4/2023 khi doanh số ô tô trượt mốc 30.000 xe/tháng xuống còn 22.409 xe, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang tháng 5/2023, tình hình còn tệ hơn khi doanh số ô tô giảm đến 52%. Tình trạng này diễn ra đối với cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Đây là thời điểm các hãng xe buộc phải hành động, nếu không, mọi việc sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Để vực dậy thị trường, các hãng xe hơi tại Việt Nam đã phải đưa ra quyết định khó khăn, đó là mở các chương trình ưu đãi, giảm giá “sốc” và duy trì cho đến khi tình hình được cải thiện. Liên tục từ tháng 5/2023, ngoại trừ các mẫu xe đang ăn khách và có doanh thu tốt, các hãng xe quen thuộc với nhiều người dùng Việt như Toyota, Hyundai, Honda, Mitsubishi, Mazda, KIA, Nissan đều áp dụng các chương trình ưu đãi “khủng”.

Tùy theo giá trị xe, sau khi áp dụng ưu đãi như giảm 50% đến 100% lệ phí trước bạ, tặng bộ phụ kiện, tặng gói bảo hiểm, hỗ trợ lãi suất vay mua 0% trong 6 tháng đầu, người mua xe có thể tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là năm có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sốc được triển khai nhất trong vài năm trở lại đây.

Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các chương trình ưu đãi của hãng xe và đại lý phân phối vẫn được duy trì. Đây là lần thứ ba Chính phủ áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước.

Mặc dù vậy, không giống với hai lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ trước đó, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi và đi lên như kỳ vọng mà chỉ giúp kìm hãm đà sụt giảm. Có hai nguyên nhân chính cho thực trạng này. Một là, lượng xe tồn kho mặc dù đã được giảm dần kể từ tháng 7 nhưng vẫn ở mức khá cao nên vẫn xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Hai là, một lượng lớn người tiêu dùng có xu hướng vay mua ô tô, nhưng lãi suất thả nổi đang ở mức khá cao so với mọi năm.

Một điều đặc biệt là dù trong bối cảnh khó khăn chung, các hãng xe hơi có mặt tại Việt Nam đều giữ nguyên số lượng mẫu xe đang khai thác, không có dấu hiệu cắt giảm hay dừng bán. Ngược lại, xe mới vẫn lần lượt xuất hiện khi có gần 40 mẫu xe ra mắt (chưa bao gồm các phiên bản nâng cấp giữa dòng đời - facelift), không thua kém năm 2022.

Khác với năm 2022, các mẫu xe mới ra mắt chủ yếu tập trung vào các dòng xe đô thị tầm trung thuộc phân khúc hạng B và hạng C như Toyota Vios, Yaris Cross, Innova Cross, Mitsubishi Xforce, Xpander Cross, Hyundai Palisade, Custin, Mazda CX-5... Nhiều mẫu xe mới ra mắt nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và giành suất đặt mua của người tiêu dùng. Trong đó, Toyota Vios và Mazda CX-5, nhờ tận dụng hiệu quả chính sách giảm lệ phí trước bạ đã tái khẳng định vị trí dẫn dầu trong danh sách những xe bán chạy nhất của tháng.

Một số chuyên gia nhận định, động thái này của các hãng xe cho thấy niềm tin vào thị trường ô tô Việt Nam là rất lớn. Sự sụt giảm về doanh số ô tô chỉ là sự điều chỉnh trong ngắn hạn và tình hình đang dần được cải thiện trong 3 tháng cuối năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh số ô tô toàn thị trường đạt 263.251 xe, giảm 28,72% so với cùng kỳ năm 2022 (theo VAMA). Con số này cho thấy lợi nhuận các hãng xe thu được đã sụt giảm khá mạnh, song vẫn chưa tổn hại đến căn cơ của thị trường.

Đặc biệt, trong khi doanh số ô tô của thị trường chung sụt giảm thì doanh số ô tô điện lại “đi ngược dòng” nhờ các mẫu xe mới của VinFast. Trong quý 3/2023, VinFast đã bàn giao tới khách hàng 10.027 xe, tăng 5% so với quý 2/2023 và gấp hơn 65 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam đã bàn giao 21.342 xe, bao gồm VF e34, VF 5 Plus, VF 8 và VF 9. Cũng trong năm 2023, VinFast đã ra mắt 2 mẫu xe cuối cùng trong series xe điện của mình là VF 6 và VF 7.

Thời của crossover/SUV “lên ngôi”

Dòng xe SUV ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh: VinFast
Dòng xe SUV ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh: VinFast

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến tháng 11/2023, doanh số SUV lần đầu tiên vượt qua sedan để trở thành dòng xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam với 54.097 chiếc được bán ra. Thế mạnh của SUV là khả năng đa dụng, vừa phục vụ nhu cầu công việc, đi lại trong thành phố, vừa đáp ứng được nhu cầu chạy đường dài, đặc biệt khi đi du lịch lên vùng núi. Bên cạnh đó, SUV thường được thiết kế 5 chỗ hoặc 7 chỗ ngồi, có thể chở được một đại gia đình gồm 3 thế hệ trên một chuyến xe. Ngoài ra, SUV thường được thiết kế phong cách thể thao, mạnh mẽ, cá tính, phù hợp với người dùng trẻ, vốn là đối tượng khách hàng rất tiềm năng trong những năm gần đây. Điều này cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đang có một sự chuyển dịch khá rõ ràng về thị hiếu của người tiêu dùng theo hướng ưu tiên chọn xe gầm cao đa dụng.

Về giá cả, trước tình hình kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa những mẫu xe cỡ nhỏ thuộc phân khúc sedan hạng B với giá bán dao động từ 420-600 triệu đồng (bao gồm Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City) và SUV hạng B, giá dao động từ 600-900 triệu đồng (bao gồm Hyundai Creta, Toyota Corolla Cross, Kia Seltos)... Trong khi đó, các hãng xe vận tải sẽ ưu tiên chọn mua các mẫu sedan, crossover/SUV hạng A và hạng B như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Toyota Vios, Mitsubishi Xpander, Honda City với mức giá dưới 560 triệu đồng.

Các mẫu SUV điện của VinFast cũng hưởng lợi nhờ thị hiếu của người dùng thay đổi, đi kèm chính sách ưu đãi về thuế TTĐB dành cho xe “thuần” điện tại Việt Nam. Trong đó, VF e34 và VF 8 vươn lên top 1 xe bán chạy nhất hồi tháng 4 và tháng 5/2023.

Xe Trung Quốc tìm chỗ đứng tại thị trường Việt

Xe Trung Quốc tìm chỗ đứng tại thị trường Việt. Ảnh: Lê Vũ
Xe Trung Quốc tìm chỗ đứng tại thị trường Việt. Ảnh: Lê Vũ.

Sự phát triển của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2022 đã thu hút sự quan tâm lớn từ các hãng xe hàng đầu tại quốc gia láng giềng - Trung Quốc. Ngay từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, hàng loạt thương hiệu phát thông báo sẽ giới thiệu xe tại thị trường Việt Nam, bao gồm: Wuling, Chery, Haval, Haima, Link & Co... Tuy nhiên, đa số các hãng xe đều khá thận trọng và đi từng bước chắn chắn để tránh “vết xe đổ” khi tham gia thị trường Việt cách đây 15 năm.

Theo đó, Wuling là thương hiệu đầu tiên quyết định đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nhờ thương vụ hợp tác với liên doanh GM - SAIC và TMT Motors để sản xuất, lắp ráp ô tô điện mini trong nước.

Tập đoàn Chery, sau nhiều lần trì hoãn, đến tháng 11/2023 đã chính thức ký kết hợp tác với Tập đoàn Geleximco để đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô mang thương hiệu OMODA và JAECOO với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD tại Thái Bình.

Các hãng xe khác như Haima, Haval, Link & Co cũng đã chính thức ra mắt xe mới kèm giá bán và thiết lập hệ thống đại lý phân phối tại thị trường Việt Nam.

Điểm chung của các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi tham gia thị trường Việt Nam, đó là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nội địa trong sản xuất, phân phối và bảo hành sản phẩm. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư khi các hãng xe đối thủ của Hàn Quốc và Nhật Bản đã chiếm lĩnh thị phần từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, trong hầu hết các mẫu xe được giới thiệu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đều “đính kèm” ít nhất một mẫu xe động cơ điện, ví dụ OMODA 5, Haval H6 Hybrid, Haima 7X-E...

Điểm mạnh của các mẫu xe Trung Quốc là thiết kế đẹp và tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, vốn chỉ xuất hiện trên các mẫu xe sang và siêu sang. Tuy nhiên, điểm hạn chế của các mẫu xe này là mức giá còn khá cao so với các đối thủ cùng phân khúc.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con