Phó Thống đốc Đào Minh Tú: "Lãi suất điều hành sẽ không thay đổi trong nửa đầu năm 2024"
Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định thay đổi lãi suất điều hành ít nhất trong nửa đầu năm và trong quý I/2024 sẽ công bố kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức "Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024".
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện nay nền kinh tế đang có xu hướng ổn định và có một số tín hiệu tích cực, bởi vậy, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay.
Ông Tú nhấn mạnh quan điểm điều hành xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là duy trì chính sách tiền tệ ổn định nhưng không cố định mà điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới.
Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng…
Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… Tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…
Những yếu tố bất lợi trên sẽ tác động tiêu cực tới cầu tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước xác định thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng trong năm 2024.
“Các ngân hàng không mở rộng tín dụng một cách bất chấp nhưng cũng không thắt chặt tín dụng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với hoạt động tín dụng. Cả bộ máy phải vào cuộc từ các Vụ/Cục, Cơ quan Thanh tra giám sát đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh/thành phố. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh/thành phố phải giám sát chặt tăng trưởng dư nợ đi kèm chất lượng tín dụng. Giám sát dòng vốn vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, đưa tín dụng vào những doanh nghiệp đang khó khăn nhưng có khả năng phục hồi”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Cũng theo ông Tú, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ mở rộng quy mô của gói tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, hiện nay gói này có quy mô 15.000 tỷ đồng đã giải ngân 100%, dự kiến tăng thêm 13.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
“Ngân hàng Nhà nước chưa thể khẳng định kéo dài thông tư này thêm bao lâu vì cần phải đánh giá kỹ hơn. Trước mắt, các đơn vị như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ sẽ hoàn thiện đề xuất cơ chế tại thông tư này ngay trong quý 1/2024", Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.