Quản doanh thu thương mại điện tử gần 150 tỷ USD, ngành thuế tăng thu nhờ nắm dữ liệu đắt giá

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế siết quản lý trong lĩnh vực đầy tiềm năng này thông qua chia sẻ dữ liệu đắt giá từ cơ quan công an, ngân hàng hay sàn thương mại điện tử...

Cơ quan thuế hiện nắm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cùng dữ liệu về tài khoản thanh toán của 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Cơ quan thuế hiện nắm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cùng dữ liệu về tài khoản thanh toán của 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Ngày 26/4, Bộ Tài chính tổ chức buổi làm việc để chuẩn bị cho Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Chỉ thị số 18 ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp phối hợp giữa các bộ, ngành để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng.

THU THUẾ 97.000 TỶ ĐỒNG TỪ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, CHỦ SHOP ONLINE THẤP THỎM LO BỊ PHẠT

Theo đánh giá, thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng, đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, việc phát triển như vũ bão của thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức mới với công tác quản lý thuế, làm sao để quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc trên nguyên tắc quản lý tuân thủ theo rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn về thuế và từ các bộ, ngành có liên quan.

Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong công tác phối hợp triển khai thực thi Chỉ thị số 18/CT-TTg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho rằng nhờ các biện pháp quản lý thuế chặt chẽ, hiệu quả và phối hợp với 5 bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước nên số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua đã tăng đáng kể qua từng năm.

 

Năm 2022, doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử.

"Số thuế đã nộp trong 4 tháng đầu năm 2024 là 2.998 tỷ đồng. Số đã nộp lũy kế từ khi triển khai là 14.572 tỷ đồng, trong đó, khai trực tiếp qua cổng là 11.744 tỷ, kê khai nộp thay là 2.828 tỷ", Tổng cục Thuế thông tin.

Từ cuối năm 2022, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp dữ liệu, thông tin định kỳ lên cơ quan thuế. Theo ghi nhận, cơ quan thuế các địa phương đang rốt ráo rà soát các hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dù doanh thu ít hay nhiều cũng phải kê khai và giải trình.

Theo phản ánh của một cá nhân hiện đang sinh sống tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh), thời gian trước đã từng mở tài khoản trên sàn Shopee để bán vài món đồ cũ nhưng từ lâu không sử dụng tài khoản này. Đến đầu tháng 4/2024, người này tá hoả vì nhận được thư mời của Chi cục Thuế huyện Bình Chánh mời lên kê khai nộp thuế doanh thu phát sinh từ kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Cơ quan thuế cũng yêu cầu người này phải mang theo các tài liệu, chứng từ khi đến làm việc, bao gồm: căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có); bảng sao kê tài khoản ngân hàng từ năm 2018 đến nay; bảng dữ liệu doanh thu do sàn thương mại điện tử cung cấp trong giai đoạn này... Trường hợp không đến làm việc theo thư mời, cơ quan thuế sẽ phối hợp với Đội quản lý Thị trường số 15, Công an huyện Bình Chánh và các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều người bán hàng online có doanh thu hàng chục tỷ qua các sàn thương mại điện tử cũng đang thấp thỏm vì chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật và lo có thể bị truy thu, phạt nặng.

Một người bán trên sàn cho biết đã có kinh nghiệm 5 năm kinh doanh thương mại điện tử với doanh thu khoảng 24 tỷ đồng nhưng chưa kê khai thuế. Theo tính toán, số thuế phải nộp là 1,5% trên tổng doanh thu (gồm thuế giá trị gia tăng là 1% và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%) cùng 0,03% tiền chậm nộp thuế và phạt không khai báo...

Người này cho biết đây là nguồn thu chính của gia đình nên không thể bỏ gian hàng trên sàn mất bao năm gây dựng, song lại lo lắng về số thuế bị truy thu có thể lên đến 500 triệu đồng.

THÊM NHIỀU DỮ LIỆU ĐẮT GIÁ ĐỂ SIẾT QUẢN LÝ THUẾ

Dự báo trước tình hình phát triển của nền tảng thương mại điện tử, trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử theo 8 nhóm nền tảng, đó là: (1) nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử; (2) website/ứng dụng thương mại điện tử; (3) nền tảng mạng xã hội; (4) nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; (5) nền tảng đại lý; (6) nền tảng thuê bao; (7) nền tảng quảng cáo; (8) nền tảng kho ứng dụng.

Ngoài ra ngành thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo hai nhóm chính.

Một là, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác.

Hai là, cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới bao gồm: nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác.

Về công tác phối hợp với các bộ, ngành, Tổng cục Thuế cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử.

 

Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu cho Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại".

Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phối hợp với Bộ Công an hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về mã số thuế.

Đến nay, nếu tính trên số lượng mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ (chứng minh nhân dân, căn cước công dân) thì đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế. Kết quả đến nay có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt.

Đến nay, cả 5 bộ, ngành: Bộ tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc thống nhất kế hoạch chi tiết để triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành, từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái thương mại điện tử.

Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó sử dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con