Quảng Nam loại bỏ khỏi quy hoạch 107 điểm mỏ khoáng sản
Tỉnh Quảng Nam vừa duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh quyết định loại bỏ khỏi quy hoạch 107 điểm mỏ…
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch từ 74,9ha xuống còn 32 ha và bổ sung tọa độ, phân kỳ quy hoạch từ dự trữ sang quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đối với điểm mỏ DX24, tại thôn Tỉnh Yên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên.
Ngoài ra, tỉnh cũng bổ sung quy hoạch 16 điểm mỏ khoáng sản, trong đó, huyện Quế Sơn có 5 điểm mỏ đất san lấp, tổng diện tích 33,62ha; huyện Hiệp Đức có 2 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 18,6ha; huyện Duy Xuyên 1 điểm mỏ san lấp 8,7ha; huyện Phú Ninh 1 điểm mỏ đất san lấp 20,42ha; huyện Núi Thành có 3 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 15,06ha; huyện Nông Sơn có 2 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 19,4ha và 1 điểm mỏ cát xây dựng 10,2 ha; huyện Đông Giang có 1 điểm mỏ sét gạch ngói 40,4ha.
Đồng thời, loại bỏ khỏi quy hoạch 107 điểm mỏ, gồm: 12 điểm mỏ đá xây dựng tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nam Giang, Phú Ninh, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đại Lộc, Bắc Trà My; 35 điểm mỏ cát xây dựng tại huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn; 15 điểm mỏ sét gạch ngói tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn; 45 điểm mỏ đất san lấp tại huyện Thăng Bình, Duy Trung, Bắc Trà My, Phú Ninh, Phước Sơn, Nông Sơn.
Theo UBND tỉnh, rất cần thiết loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ không còn phù hợp, hoặc đã khai thác xong, giữ lại hay bổ sung điểm mỏ có đủ điều kiện khai thác thuận lợi, tích hợp vào quy hoạch, để tổ chức đấu giá quyền khai thác, cấp phép thăm dò và khai thác phục vụ hiệu quả công trình, dự án tại địa phương.
Do đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng công bố nội dung điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt đến các sở, ngành, địa phương liên quan để thực hiện và phối hợp quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND các huyện liên quan lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm triển khai thực hiện; lựa chọn đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; đảm bảo an toàn cho người dân khu vực xung quanh và công trình liền kề; khai thác sử dụng khoáng sản tiết kiệm, chống thất thoát tài nguyên…
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ vị trí, sản lượng khoáng sản khai thác, công suất khai thác, trữ lượng khoáng sản được phép khai thác của các đơn vị chủ mỏ khoáng sản, sau khi được cấp giấy phép khai thác theo quy định...