Sau một năm thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu: đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Sau một năm thực hiện, Việt Nam đã tăng 1,47 điểm so với năm đề ra mục tiêu (2020) với 63,25/100 điểm; trong đó có 7/10 tiêu chí thành phần đạt trên 50% ngưỡng nước phát triển, thu nhập cao...
Tháng 1/2021, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vậy tại năm gốc (2020) nước ta đã đạt được kết quả như thế nào so với mục tiêu? Và sau một năm (đến hết năm 2021) kết quả thực hiện mục tiêu đó như thế nào? Bài viết này sẽ trả lời hai câu hỏi đó trên cơ sở áp dụng Phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam (Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp bộ, mã số 2.1.6-B20-21) của Tổng cục Thống kê.
10 CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Chỉ số phát triển kinh tế - xã hội (Sociol Economic Development Index - SEDI) là một chỉ số tổng hợp được tính toán trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu thành phần. SEDI được sử dụng để đánh giá, so sánh, xếp hạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, các vùng trong một nền kinh tế, hoặc giữa các nền kinh tế với nhau. Trên thế giới đã có một số nước và tổ chức quốc tế nghiên cứu xây dựng, biên soạn, công bố SEDI, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương châu Âu,...
Ở Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành nghiên cứu, công bố phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam (ký hiệu là Sn) để đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội cho phạm vi toàn quốc, từng vùng và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết chung là tỉnh) ở nước ta đến một năm nhất định (n). Theo đó, toàn quốc, vùng, tỉnh sẽ trở thành nước, vùng, tỉnh phát triển, thu nhập cao khi đạt các tiêu chí thành phần sau:
- Về kinh tế gồm 4 tiêu chí: (1) thu nhập bình quân đầu người (tương ứng ngưỡng nước phát triển, thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hàng năm); (2) tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%; (3) tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%; (4) tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành phi nông lâm thủy sản (LĐPNN) đạt 90%.
- Về xã hội gồm 4 tiêu chí: (5) tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên (LĐQĐT) đạt 50%; (6) tuổi thọ trung bình của dân số tính từ lúc sinh đạt 80 năm; (7) tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều dưới 2,5%; (8) hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập đạt 0,3.
- Về môi trường gồm 2 tiêu chí: (9) tỷ lệ diện tích rừng hiện có so với tổng diện tích đất lâm nghiệp (TLRHC) đạt 100%; (10) tỷ lệ hộ dân cư được sử dụng nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh (HVS) đạt 100%.
Quy trình biên soạn Sn gồm các bước chính: (1) thu thập thông tin, tính toán kết quả đạt được của từng tiêu chí thành phần đến năm cần đánh giá (n) phạm vi toàn quốc, vùng, tỉnh; (2) tính trọng số tương ứng kết quả đạt được của từng tiêu chí thành phần; xác định mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người tương ứng với ngưỡng nước thu nhập cao do WB công bố áp dụng cho năm nghiên cứu; (3) tổng hợp, xác định chỉ số phát triển chung và các chỉ số thành phần theo thang điểm 100; (4) xếp hạng các tỉnh, hoặc xếp hạng các vùng (trường hợp áp dụng đánh giá trình độ phát triển của các vùng, các tỉnh).
NHIỀU CHỈ SỐ ĐIỂM CÒN THẤP
Số liệu tổng hợp trình độ phát triển của cả nước đến năm 2020 và năm 2021 cho thấy điểm số của nhiều chỉ số còn thấp, cách xa so với chuẩn của các nước phát triển, thu nhập cao (bảng 1 và bảng 2).
Từ kết quả đạt được tại bảng 1 và bảng 2 trên đây, áp dụng phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê thu được các chỉ số thành phần và chỉ số phát triển chung của cả nước đến năm 2020 và đến năm 2021 (bảng 3).
Từ kết quả đạt được tại Bảng 1 và Bảng 2 trên đây, áp dụng phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê thu được các chỉ số thành phần và chỉ số phát triển chung của cả nước đến năm 2020 và đến năm 2021 (bảng 3).
Bảng 3 cho thấy đến năm 2020 (năm trước năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng), nước ta đạt 61,78/100 điểm so với ngưỡng của nước phát triển, thu nhập cao; đến năm 2021 (sau một năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng), nước ta đạt 63,25/100 điểm, tăng 1,47 điểm, trong đó có 7/10 tiêu chí thành phần đạt trên 50% ngưỡng nước phát triển, thu nhập cao, còn 3/10 tiêu chí thành phần đạt dưới 50% ngưỡng nước phát triển, thu nhập cao (thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 27,52%, tỷ lệ đô thị hóa mới chỉ đạt 46,03% và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mới chỉ đạt 48,2%).
Như vậy để trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong những năm tới nước ta cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực nhằm tạo nhiều việc làm để nâng cao thu nhập bình quân đầu người, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa và nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo.
______________________
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Thống kê, Chủ tịch Hội Thống kê tỉnh Phú Thọ
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam