SCIC lên kế hoạch bán vốn tại 31 doanh nghiệp, đáng chú ý với FPT
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp trong đó có 8 doanh nghiệp niêm yết trên sàn...
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.
Trong danh sách này có nhiều tên quen thuộc trên sàn chứng khoán như CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), CTCP FPT (FPT), Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), CTCP Xây dựng Vật liệu Bến Tre (VXB) và CTCP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (CID).
Số vốn mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần FPT là đáng chú ý nhất, lên tới 635 tỷ đồng tương đương 5,8% vốn điều lệ doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng là thương vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tiêu điểm của năm 2024, tạo động lực bứt phá cho thị trường trong giai đoạn tới.
Tiếp theo là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - đơn vị SCIC nắm 37,1% vốn điều lệ, tương đương 480 tỷ đồng; tiếp nối là Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam với 312 tỷ đồng (87,3% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (tỷ lệ 97,4%) với 231 tỷ đồng.
Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024, SCIC cho biết sẽ thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam - Savina (VNB), Tổng công ty Cổ phần Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (VNP), Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC)...
Tuy nhiên đến nay, SCIC chỉ mới bán vốn thành công tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (VNC) và Công ty Cổ phần Phim truyện 1.
Tại Hội nghị Công bố và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của SCIC diễn ra hồi đầu năm 2024, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả, số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn.
"Do vậy, SCIC cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt hộng thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ", ông Thành nói. Theo SCIC, tính đến thời điểm đầu năm 2024, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.
Cũng theo ông Thành, thời gian thực hiện kế hoạch 05 năm chỉ còn 02 năm 2024-2025 với các chỉ tiêu kinh doanh hết sức thách thức đối với các nội dung bán vốn, đầu tư trong bối cảnh một số vướng mắc cơ bản về mặt pháp lý chưa được tháo gỡ như: việc sắp xếp lại nhà, đất trước khi bán vốn tại các doanh nghiệp trên 50% vốn điều lệ, thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐTV SCIC chưa được xác định rõ.
Do đó, SCIC mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, Ngành, Cơ quan Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước mắt là tháo gỡ những vướng mắc pháp lý để kịp thời thực hiện và hoàn thành kế hoạch kinh doanh 02 năm 2024 - 2025.