Singapore mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TP.HCM
Đoàn doanh nghiệp Singapore với 28 tập đoàn, doanh nghiệp lớn, dẫn đầu là Chủ tịch của Lian Huat Group đang có chuyến thăm TP.HCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây…
Tại TP.HCM, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại thành phố, với hơn 1.677 dự án đã triển khai, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 14 tỷ USD.
Trên cả nước, Singapore là quốc gia đứng thứ 2 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 71,8 tỷ USD.
Đây là thông tin mà bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), chia sẻ tại hội nghị “Giới thiệu môi trường đầu tư - kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Singapore” ngày 09/3/2023.
Sự kiện lần này có sự tham dự của gần 70 doanh nghiệp TP.HCM hoạt động trong các ngành nghề sản xuất công nghiệp, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản thực phẩm, dệt may, ngân hàng, tài chính, bất động sản, logistic, dược phẩm…tương ứng với các ngành nghề của đoàn doanh nghiệp Singapore với 28 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Singapore, dẫn đầu là Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp và thương mại Hoa Sing (SCCCI), đồng thời cũng là Chủ tịch của Tập đoàn Lian Huat group.
Trong chương trình giới thiệu môi trường đầu tư - kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, ITPC đã giới thiệu các dự án sắp triển khai của thành phố đến các nhà đầu tư của Singapore.
Cụ thể, các dự án trọng điểm liên quan đến hạ tầng giao thông gồm: cầu Cần Giờ (gần 10.000 tỷ đồng), đường Vành đai 4 (gần 19.200 tỷ đồng), cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (khoảng 15.900 tỷ đồng) và cảng ICD Long Bình (khoảng 6.000 tỷ đồng).
Các tuyến đường sắt đô thị cũng được giới thiệu cho các nhà đầu tư như: tuyến metro 3A giai đoạn 1 Bến Thành - Khu Y tế kỹ thuật cao (hơn 42.400 tỷ đồng), tuyến metro 3A giai đoạn 2 Bến xe miền Tây - Tân Kiên (hơn 21.100 tỷ đồng), tuyến metro 3B Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước (hơn 41.100 tỷ đồng) và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước (hơn 100.500 tỷ đồng).
Ngoài ra, ITPC cũng giới thiệu các dự án liên quan đến đô thị thông minh, gồm: trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và trung tâm tiếp nhận - xử lý thông tin thành phố.
Ông Kho Choon Keng, Chủ tịch SCCCI, cho rằng môi trường đầu tư TP.HCM và Việt Nam nói chung đang rất thuận lợi sau dịch khi việc mở cửa rất nhanh. Trong 10 năm tiếp xúc, ông đánh giá cao về thị trường rộng lớn trăm triệu dân và nguồn nhân công trẻ, được đào tạo tốt.
Theo ông Keng, cơ hội hợp tác giữa TP.HCM với các nhà đầu tư Singapore và khả năng rót vốn vào những dự án trên rất cao. Các doanh nghiệp Singapore sẽ tính toán thêm về vốn đầu tư, tính khả thi của dự án cũng như so sánh với những cơ hội tương tự ở một số quốc gia lân cận.
Ông Cao Xuân Thắng, Bí thư thứ nhất Thương Vụ Việt Nam tại Singapore, cho rằng lĩnh vực công nghiệp và thương mại là hai lĩnh vực các nhà đầu tư tại quốc đảo sư tử quan tâm nhất. Việt Nam và Singapore có khoảng cách địa lý và văn hóa gần, hơn nữa thời gian qua các đoàn cấp cao của hai chính phủ đều tích cực trao đổi và tin cậy lẫn nhau, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 2/2023.
Đặc biệt, Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh và EU giúp mối quan hệ đầu tư và giao thương đôi bên thêm thuận lợi.
Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing (SCCCI) là một tổ chức lớn, có uy tín tại Singapore, với khoảng 5.000 doanh nghiệp thành viên và có tới hơn 160 thành viên là hiệp hội thương mại, đại diện cho hơn 40.000 công ty bao gồm các doanh nghiệp lớn về kinh doanh, tài chính, đa quốc gia, SMEs... hoạt động trong cả lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Các hoạt động của SCCCI thu hút được sự tham gia của nhiều thành viên và các doanh nghiệp của Singapore.