So sánh kinh tế Mỹ thời ông Trump và ông Biden làm tổng thống
Cử tri Mỹ luôn dành cho ông Trump đánh giá cao hơn về vận hành nền kinh tế so với ông Biden. Điều này khiến các cố vấn của ông Biden bất bình...
Trong chiến dịch tái tranh cử đang diễn ra, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dựa nhiều vào những thành tựu kinh tế mà ông có được trong 4 năm cầm quyền trước. Phó tổng thống Kamala Harris chưa đứng đầu Nhà Trắng bao giờ, nhưng di sản của Tổng thống Joe Biden sẽ có ảnh hưởng lớn tới cuộc chạy đua của bà.
Theo tờ Wall Street Journal, cử tri Mỹ luôn dành cho ông Trump đánh giá cao hơn về vận hành nền kinh tế so với ông Biden. Điều này khiến các cố vấn của ông Biden bất bình vì họ cho rằng ông không đạt được “điểm số” xứng đáng. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy bà Harris đã mạnh lên trong đánh giá của cử tri về chính sách kinh tế, nhưng vẫn bị ông Trump dẫn trước.
Vậy các số liệu thống kê kinh tế cho thấy thành tựu kinh tế của ông Trump và ông Biden ra sao?
TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC (GDP)
Trong 3 năm đầu ông Trump cầm quyền, GDP tăng trưởng tương đối tốt: GDP thực tế - tức GDP danh nghĩa sau khi điều chỉnh theo lạm phát - tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm 2,8% trong thời gian từ quý 4/2016 đến quý 4/2019. Sau đó, đại dịch xảy đến và GDP sụt giảm, kéo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong toàn bộ nhiệm kỳ của ông Trump về mức 1,8%.
Dưới thời ông Biden, GDP của Mỹ tăng trưởng khả quan hơn. Kết quả này có được một phần nhờ nền kinh tế phục hồi mạnh trong năm đầu tiên ông cầm quyền. Từ cuối năm 2020 đến hết quý 2/2024, GDP thực tế của Mỹ tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm 3,2%. Mức GDP hiện tại của Mỹ đang cao hơn so với những gì mà giới chuyên gia kinh tế dự báo trước khi xảy ra đại dịch. Cụ thể hơn, GDP của Mỹ tăng 7,6% trong 4 năm ông Trump cầm quyền và đến nay đã tăng 11,8% trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Các nhà kinh tế học dự báo GDP quý 3/2024 của Mỹ, dự kiến được Bộ Thương mại nước này công bố vào cuối tháng 10/2024, sẽ tiếp tục cho thấy tốc độ tăng trưởng vững. Hiện tại, có vẻ như GDP thời ông Biden sẽ có được mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong một nhiệm kỳ tổng thống kể từ nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Bill Clinton.
LẠM PHÁT
GDP Mỹ tăng trưởng mạnh thời ông Biden, nhưng lạm phát lại là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế trong những năm vị Tổng thống của Đảng Dân chủ cầm quyền.
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ ông Trump, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khá im ắng. Khi đại dịch mới xảy ra, lạm phát thậm chí còn giảm thêm. Từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tổng cộng 7,8%.
Thời ông Biden, lạm phát leo thang chóng mặt. Gần đây, lạm phát đã xuống thang, nhưng ảnh hưởng tích tụ của lạm phát vẫn còn đó. Từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2024, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng gần 20%. Suốt từ nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Ronald Reagan - khi giá cả ở Mỹ tăng 21% - chưa khi nào lạm phát ở nước này lại cao đến như vậy trong một nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng ông Reagan có lợi thế là trong nhiệm kỳ cầm quyền của người tiền nhiệm Jimmy Carter, lạm phát còn cao hơn nhiều, lên tới 49% trong 4 năm.
Cũng giống như cú sụt giảm của GDP Mỹ trong năm 2020 là một hệ quả của đại dịch hơn là do sự lãnh đạo của ông Trump, việc lạm phát tăng mạnh trong nhiệm kỳ của ông Biden cũng một phần do những nút thắt chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch và một phần do giá dầu tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Bằng chứng là lạm phát không chỉ leo thang ở Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn, lạm phát ở khu vực Eurozone từ đầu năm 2021 cũng cao tương tự như ở Mỹ, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Eurozone thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.
Tuy nhiên, có lẽ người Mỹ ít trò chuyện với bạn bè ở nước ngoài về chủ đề lạm phát. Thay vào đó, họ sống với lạm phát ở Mỹ, đây là lý do vì sao các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden bị đánh giá thấp hơn so với ông Trump về điều hành kinh tế, cho dù thị trường việc làm dưới thời ông Biden tăng trưởng mạnh mẽ.
THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM
Trong 3 năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump tính đến tháng 2/2020, nền kinh tế Mỹ có thêm 6,7 triệu việc làm. Nhưng trong tháng 3 và tháng 4/2020, do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế mất 21,9 triệu việc làm. Thị trường việc làm Mỹ bắt đầu hồi phục vào tháng 5/2020, nhưng đến cuối năm 2020, số lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp ở nước này vẫn ít hơn 2,7 triệu công việc so với thời điểm cuối năm 2016.
Thời ông Biden, tăng trưởng việc làm diễn ra mạnh mẽ. Tính đến tháng 9 năm nay, nước Mỹ có thêm 16,2 triệu việc làm so với thời điểm tháng 1/2021. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, chưa một thời tổng thống nào từ nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1/1981 của cựu Tổng thống Jimmy Carter mà nền kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ đến như vậy.
Tăng trưởng việc làm thời ông Biden mạnh hơn nhiều so với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. Không lâu trước đại dịch, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo nền kinh tế Mỹ có khoảng 155,1 triệu công việc vào thời điểm quý 3/2024. Trên thực tế, con số việc làm đạt được nhiều hơn 3 triệu công việc so với mức dự báo đó.
THẤT NGHIỆP
Tỷ lệ thất nghiệp có tương quan giữa thời ông Trump và ông Biden giống như tương quan về số lượng việc làm. Từ khi ông Trump lên nắm quyền cho tới trước khi đại dịch ập đến, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm từ mức 4,7% xuống còn 3,5%. Sau đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức kỷ lục 6,4% vào tháng 1/2021.
Thời ông Biden, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ ngưỡng 6% xuống vùng 5% rồi vùng 4%. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp rút xuống mức thấp nhất 70 năm là 3,4%, nhưng đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 4,1%.
THU NHẬP HỘ GIA ĐÌNH
Số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ (CB) cho thấy thu nhập hộ gia đình ở nước này tăng trưởng mạnh trong 3 năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump, nhưng giảm trong năm cuối của nhiệm kỳ. Dù vậy, sự sụt giảm này cũng bắt nguồn từ yếu tố Covid-19.
Trong một cuộc khảo sát năm 2020 của CB đối với các hộ gia đình Mỹ về thu nhập của họ trong năm 2019 cho thấy thu nhập thực tế trung vị đạt mức tăng trưởng 7,2%. Nhưng trong năm sau đó, biến động thu nhập năm 2020 được ghi nhận trong cuộc khảo sát của CB là giảm 2%. So với năm 2016, thu nhập thực tế trung vị của các hộ gia đình ở Mỹ năm 2020 tăng 8,2%.
Thời ông Biden, lạm phát đè nặng lên thu nhập của hộ gia đình, nhất là trong năm 2022. Năm 2023, thu nhập thực tế trung vị của hộ gia đình ở Mỹ chỉ tăng 1,3% so với năm 2020.
Các nhà phân tích của Công ty Motio Research cho rằng năm nay, thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở Mỹ tiếp tục tăng, nhưng ngay cả như vậy, tăng trưởng thu nhập thời ông Biden gần như chắc chắn sẽ thấp hơn so với thời ông Trump.
TẠO SINH TÀI SẢN
Người Mỹ trở nên giàu hơn đáng kể dưới thời ông Trump, dù trải qua cú sốc đại dịch. Cuối năm 2019, giá trị tài sản ròng thực bình quân của các hộ gia đình thuộc nhóm giữa trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ mới tăng 13,5% so với ở thời điểm quý 4/2016, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhưng đến cuối năm 2020, mức tăng trưởng tài sản đã lên tới khoảng 30%. Thị trường chứng khoán và giá nhà tăng mạnh là một phần động lực cho sự tăng trưởng tài sản này, bên cạnh những chương trình kích cầu của Chính phủ bơm tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình.
Thị trường chứng khoán và giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh thời ông Biden cầm quyền, nhưng lạm phát khiến cho mức tăng trưởng thực tế kém đi. Nhiều hộ gia đình cũng đã tiêu hết số tiền kích cầu được phát trong năm cầm quyền cuối cùng của ông Trump và năm đầu của ông Biden. Tính đến quý 2 năm nay, giá trị tài sản ròng thực của hộ gia đình trung lưu ở Mỹ chỉ tăng 4,6% so với cuối năm 2020.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam