Sử dụng hiệu quả đất đai trong nông nghiệp để không bị vướng vào "hạn điền"
Nghị quyết 19-NQ/TW nói chung và Luật Đất đai năm 2013 nói riêng đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn nói riêng...
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc về công tác tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW diễn ra cuối tuần qua, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 19 và triển khai chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 26.
Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng ghi nhận: Việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW đã mang đến cho nông nghiệp, nông thôn một bộ mặt mới, sức sống mới, niềm tin lớn của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
"Kết quả của buổi làm việc này sẽ giúp Ban Chỉ đạo bổ sung những ý tưởng, nội dung quan trọng trong một số vấn đề xây dựng Nghị quyết mới về đất đai và Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gợi mở những chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu đưa nguồn tài nguyên đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp trở thành động lực mới thúc đẩy nông nghiệp, kinh tế - xã hội nông thôn nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý, đối với việc tổng kết Nghị quyết 19, thực tiễn từ lĩnh vực đất đai rất đa dạng, nhiều vấn đề mới cần được xem xét, giải quyết, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo thống nhất, khoa học, khẩn trương, đặc biệt là trước yêu cầu về thời gian hoàn thành, trình Ban Chấp hành Trung ương vào đầu tháng 10/2021.
Việc triển khai chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 26 phải hết sức khẩn trương, khoa học, đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cần nỗ lực với quyết tâm lớn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: “Xác định tầm quan trọng của vấn đề đất đai và nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, Bộ sẽ nỗ lực quyết tâm với tinh thần cao nhất, phát huy sự chủ động, sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nhằm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo đã giao”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hội nhập mà rào cản lớn nhất chính là vướng mắc về thể chế chính sách đất đai manh mún.
Do vướng hàng rào "hạn điền" nên các năm qua nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không được. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất vẫn còn rất lớn.
Trước thực tế này, trong khi chờ đợi giải pháp về thể chế, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp đã đưa ra nhiều cách giải quyết, chẳng hạn như khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất để mở rộng quy mô...
Thực tế vừa qua, dù một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã "mở cửa" tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã tích tụ đất đai, nhưng chính doanh nghiệp tham gia tích tụ vẫn lo ngại bị "tuýt còi" vì bị cho là xé rào...