Tại sao Telegram trở thành ứng dụng được tội phạm “ưa thích”?
Được biết, từ năm 2019 đến nay, Cục Phòng chống Ma túy Trung ương Singapore (CNB) đã bắt giữ tổng cộng hơn 500 đối tượng sử dụng Telegram cho hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp…
Ứng dụng nhắn tin Telegram đã trở thành tiêu điểm trong thời gian qua khi liên tục vướng vào bê bối liên quan tới loạt hành vi tội phạm, điển hình nhất là buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Gần đây, có ít nhất 5 đối tượng, trong đó bao gồm 3 thanh thiếu niên, đã bị Cục Phòng chống Ma túy Trung ương Singapore (CNB) bắt giữ vì nghi ngờ liên quan đến giao dịch ma túy thông qua ứng dụng.
Đại diện CNB chia sẻ với CNA rằng nhóm tội phạm ma túy thường sử dụng ứng dụng trò chuyện cho phép giao tiếp kín (mã hoá đầu cuối) như Telegram để mua và bán chất cấm.
CNB cho biết thêm đã quan sát hiện tượng từ năm 2019 và bắt giữ tổng cộng hơn 500 tội phạm ma túy sử dụng Telegram cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Tội phạm tình dục, lừa đảo và hoạt động chuyển tiền cũng thường xuyên lựa chọn ứng dụng trò chuyện này làm phương thức trao đổi.
Vậy tại sao Telegram lại trở thành ứng dụng được tội phạm “ưa thích”?
KHẢ NĂNG TIẾP CẬN ĐỐI TƯỢNG MỤC TIÊU
Các luật sư hình sự lý giải việc Telegram là “ổ chứa” tội phạm vì ứng dụng cung cấp phạm vi tiếp cận hiệu quả, quyền riêng tư và tính ẩn danh.
Theo Statista, ứng dụng nhắn tin phổ biến đã vượt qua mốc 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 7/2024.
Các kênh và hội nhóm công khai trên Telegram có sức chứa tới 200.000 thành viên, dễ dàng được tìm kiếm bởi bất kỳ người dùng nào thông qua thanh công cụ tích hợp. Lợi thế giúp tội phạm có thể tiếp cận đối tượng nhanh hơn nhiều so với đa số nền tảng nhắn tin khác, chuyên gia Ng Yuan Siang thuộc Eugene Thuraisingam LLP nhận định.
Ông Adrian Wee từ Lighthouse Law LLC cho biết: “Chức năng nhóm của Telegram cho phép người dùng tham gia cộng đồng mà không cần kết nối liên hệ riêng lẻ, đồng nghĩa với việc nhóm tội phạm có thể tiếp cận được số lượng lớn tài khoản”.
QUYỀN RIÊNG TƯ, ẨN DANH
Ông Wee nhấn mạnh tính ẩn danh và riêng tư là lý do chính khiến Telegram hấp dẫn tội phạm.
Theo đó, chính sách bảo mật nghiêm ngặt của Telegram không cho phép công ty chia sẻ thông tin người dùng. Vị chuyên gia mô tả các ứng dụng như Telegram "tồn tại chính xác vì người dùng lo ngại một số ứng dụng khác nhắn tin hiện nay dễ bị tác nhân bên ngoài theo dõi".
Telegram cũng là một trong những ứng dụng nhắn tin đầu tiên cung cấp mã hóa đầu cuối. Theo luật sư James Gomez Jovian Messiah từ Edmond Pereira Law Corporation, mã hóa đầu cuối có thể ngăn chặn quyền truy cập dữ liệu của bên thứ ba.
Bên cạnh mã hóa đầu cuối, Telegram còn cho phép người dùng duy trì tính ẩn danh và xóa dữ liệu trong cuộc trò chuyện. Ông James Gomez lưu ý rằng Telegram cung cấp "tính năng tự hủy tin nhắn và xóa từ xa để xóa toàn bộ dữ liệu trong cuộc trò chuyện".
Điều này đồng nghĩa là ngay cả khi bên thứ ba có được thiết bị của người dùng thì cũng chưa chắc có thể khôi phục tin nhắn.
Đặc biệt, Telegram không yêu cầu nhập số điện thoại di động khi đăng ký, cho phép người dùng sử dụng ứng dụng mà không tiết lộ thông tin cá nhân.
“Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng sim rác để đăng ký các nền tảng tương tự như Telegram”, chuyên gia Wee giải thích. “Số tạm thời chỉ dùng một lần để nhận mã code đăng ký tài khoản. Ngay sau khi đăng ký, tội phạm thường thủ tiêu sim rác ngay lập tức”.
Mặt khác, ông Ng Yuan Siang khẳng định ứng dụng nhắn tin này không phải là nền tảng “hoàn hảo” đối với tội phạm: “Nhiều giao dịch bất hợp pháp chắc chắn diễn ra bên ngoài các nền tảng nhắn tin, ví dụ, giao dịch ma túy dẫn đến việc giao hàng, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng, tất cả đều có thể dẫn đến dấu vết mà tổ chức điều tra có thể tận dụng để xác định thủ phạm”.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CƠ QUAN THỰC THI PHÁP LUẬT
Các cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt với một số thách thức khi xử lý tội phạm hoạt động thông qua Telegram.
Một số khó khăn lớn nhất bao gồm quá trình thu thập bằng chứng, hạn chế liên quan đến dữ liệu được lưu trữ và sự phức tạp trong việc truy vết tổ chức tội phạm.
Telegram tuyên bố trên trang chủ chính thức rằng sẽ tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại người dùng nếu nhận được lệnh của tòa án xác nhận tài khoản là nghi phạm khủng bố, nhưng đồng thời cũng cho biết điều này chưa bao giờ xảy ra.
Ông Ng tiết lộ đã có một vài trường hợp ghi nhận Telegram tiết lộ thông tin người dùng nhằm tuân thủ lệnh của tòa án "ngoài lý do khủng bố".
Vị chuyên gia pháp lý trích dẫn trường hợp vào cuối năm 2022 khi ứng dụng này tuân thủ lệnh từ Tòa án New Delhi về việc tiết lộ thông tin của một tài khoản Telegram bị cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, “mức độ hữu ích của những thông tin cung cấp chưa được kiểm chứng".
“Theo lệnh của chính quyền New Delhi, công ty chỉ tiết lộ tên, số điện thoại và địa chỉ IP của các tài khoản liên quan đến kênh được đề cập. Những thông tin này đôi khi là đủ để xác định thủ phạm trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, cũng có khả năng thủ phạm ở nước ngoài, vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, hoặc tội phạm tinh vi sử dụng nhiều lớp vỏ bọc để che giấu thân phận thật”, ông Ng phân tích.
Ông James Gomez cũng khẳng định các hoạt động tội phạm thực hiện trên Telegram thường liên quan đến tội phạm có tổ chức, "tạo ra một chuỗi vụ việc khó theo dõi hơn": “Tội phạm có tổ chức liên quan đến nhiều đối tượng có thể không biết nhau nhưng lại cùng tạo ra giao dịch thống nhất. Từ người điều hành tài khoản, người xác nhận đơn hàng, người giao hàng, đến chủ mưu đứng sau hoạt động, những thành viên trong đường dây thường hoạt động tách biệt mà không biết thông tin chi tiết hoặc vị trí của người khác”.
Khả năng khôi phục dữ liệu cũng là một thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Đặc biệt, khối lượng và quy mô khổng lồ của hoạt động nhắn tin trên ứng dụng cũng làm phức tạp thêm nỗ lực điều tra.
NGĂN CHẶN CÁC HOẠT ĐỘNG TỘI PHẠM
Ông James Gomez cho biết cần tăng cường biện pháp xác minh người dùng để ngăn chặn các hoạt động tội phạm trên nền tảng Telegram.
“Việc tăng cường xác minh ảnh, yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết hoặc xác minh số điện thoại hợp lệ sẽ cho phép Telegram ngăn chặn sớm các hoạt động tội phạm”.
Tuy nhiên, ông Wee cũng nhớ lại tuyên bố đanh thép của CEO Pavel Durov trong quá khứ: “Những nhà sáng lập Telegram tin rằng quyền riêng tư người dùng quan trọng hơn những lo ngại về việc nền tảng có thể bị sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp”.
Đại diện phát ngôn tại Telegram cũng khẳng định: “Kể từ khi thành lập, Telegram đã tích cực kiểm duyệt nội dung có hại trên nền tảng, bao gồm nhiều nội dung liên quan tới buôn bán ma túy và phát tán hình ảnh khiêu dâm công khai. Bộ phận kiểm duyệt của chúng tôi chủ động theo dõi các hội nhóm công khai trên nền tảng và chấp nhận báo cáo của người dùng nhằm xóa nội dung vi phạm điều khoản dịch vụ”.